Chủ đề hôm nay sẽ là cai nghiện! Không phải mai thúy, không phải game, vàng không phải bia rượu mà chính là “trại cai nghiện Shopee“! Internet phát triển khiến cho việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nó giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc hơn khi mua hàng thông qua các nền tảng thương mại như Shopee, Lazada, Tiki,…. Nhưng dần dần, sự tiện lợi và cảm giác thích thú khi mua sắm mọi lúc mọi nơi đã biến thành một “chất gây nghiện” khiến nhiều người mất đi sự tự chủ và đốt sạch túi tiền của mình lúc nào không hay. Điển hình mà mình!
Điều này ảnh hướng rất lớn đến kế hoạch chi tiêu cũng như những dự định trong tương lai của bạn. Dù nhiều người nhận thức được điều đó, nhưng khi đứng trước cám dỗ mang tên mua sắm, họ lại lần nữa không kìm được lòng mình. Vậy có cách nào để có thể cai nghiện Shopee triệt để không? Làm gì để thoát khỏi cảm giác gây nghiện và mất tự chủ trong việc mua sắm? Cùng mình tham khảo ngay những cách dưới đây nhé!
P/S: Bài viết này mình viết dựa trên nền tảng mua sắm phổ biến được nhiều người sử dụng nhất là Shopee. Những sàn thương mại điện tử khác cũng tương tự thôi nhưng mình sẽ không nhắc đến trong bài viết này!
Thực trạng nghiện Shopee thời điểm hiện tại!
Việc mua sắm Online dường như đã là điều không thể thiếu đối với bất kỳ ai. Sức hấp dẫn của các sàn thương mại điện tử vốn đã rất lớn như vậy. Nhưng chưa dừng lại ở đó, mới đây Shopee đã cho ra mắt dịch vụ Spaylater, hiểu nôm na chính là 1 thẻ tín dụng dùng trực tiếp trên Shopee. Việc mua sắm Online vốn đã rất hấp dẫn vì sự tiện lợi của nó, thì nay còn hấp dẫn hơn nữa vì bây giờ bạn thậm chí còn có thể “mua thiếu”.
Người dùng Shopee có thể sở hữu một “Thẻ tín dụng Sọp pi hạn mức 10 triệu” mà không cần phải có hợp đồng lao động, không cần chứng minh thu nhập, không cần phải làm những thủ tục rườm rà. Chỉ cần trên 18 tuổi và có thẻ ngân hàng là được.
Nó giúp cho người dùng giảm bớt áp lực tài chính, và có thể mua sắm mà không cần nhìn túi tiền hiện tại. Bởi vì giờ đây đã có thể mua trả góp trong nhiều tháng. Nhưng vô hình chung nó cũng làm cho người dùng càng mua sắm nhiều hơn và không thể thoát ra được vòng luẩn quẩn nợ rồi lại trả!
Hậu quả của việc nghiện mua sắm
Như đã nói ở trên, việc Shopee cho ra mắt dịch vụ mua trước trả sau đã giúp cho người dùng giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp bạn thỏa mãn niềm đam mê mua sắm mà không cần phải lo lắng quá nhiều về vấn đề tiền bạc.
Tuy nhiên điều này có thật sự tốt? Không! Nó như 1 con dao 2 lưỡi. Nếu không mua sắm 1 cách hợp lý thì nó sẽ làm cho tình trạng “nghiện Shopee” ngày càng trầm trọng hơn. Bạn mua một món đồ và tự nhủ là bạn có thể dễ dàng thanh toán nó vào tháng sau (hoặc tháng sau nữa :V).
Đồng ý là như vậy, nhưng việc bạn mua sẽ không dừng lại ở 1 món, mà là rất nhiều món. Và mỗi lần mua thêm bạn đều tự nhủ: Đây chỉ là món đồ rẻ tiền thôi, mình chắc chắn sẽ trả được!”. Và sau cùng, tích tiểu thành đại, bạn nhận ra số nợ đã vượt quá khả năng chi trả của bạn. Và bạn tìm đến những phương pháp như vay mượn bạn bè, chuyển đổi trả góp, hay thậm chí là chịu phí chậm trả. Rất nhiều khoản tiền nợ phát sinh ra chỉ vì thói quen mua sắm không kiềm chế của bạn.
Không chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý tài chính, mà bạn thậm chí còn bị stress vì lo âu, căng thẳng dẫn đến sụt giảm sức khỏe, mất đi nhiều mối quan hệ xung quanh,… Nói tóm lại việc nghiện Shopee mang đến rất nhiều hậu quả về sau. Chỉ là trước mắt khi đang chìm trong khoái cảm mà việc mua sắm mang lại, bạn sẽ không thể nhìn thấy được những hậu quả đó. Vậy thì hãy cùng mình tìm hiểu cách để cai nghiện triệt để “chất gây nghiện” này nào!
Cách cai nghiện Shopee một cách triệt để
Thú thật, bản thân mình cũng là một người rất nghiện Shopee nói riêng và các sàn thương mại điện tử nói chung. Hầu như tháng lương nào nhận được mình cũng đều đốt hết vào Shopee. Nhưng đó chỉ là chuyện quá khứ thôi, hiện tại mình đã dần như cai nghiện được nó.
Trong khi bạn bè đồng trang lứa với mình chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để mua hàng online thì mình đã ngồi đây để viết và chia sẻ đến các bạn bài viết cách cai nghiện Shopee :V. Hehe đùa vậy thôi, cùng mình lướt xuống bên dưới dể xem đó là những cách nào nào!
1/ Cách 1: Xóa Shopee
Yes Sir chắc chắn là như vậy rồi! Cách đơn giản nhất để cai Shopee đó chính là xóa nó. Mình đã từng vướng vào 1 cục nợ rất là to vì việc mua sắm quá đà ở trên Shopee, mình đã dùng sạch mọi khoản tiền của mình. Chưa hết, dư nợ trên Spaylater của mình lên đến 8 triệu. Gia đình mình đã rất thất vọng về mình khi biết được điều ấy. Mình thậm chí đã phải pass rẻ lại những món đồ linh tinh mà mình đã mua để có thể trả nợ.
Sau lần đó, mình biết bản thân đã đến lúc phải thay đổi, không thể “ngựa quen đường cũ” được. Nên mình đã hạ quyết tâm, mình liên hệ với tổng đài để hủy Spaylater, nhưng người ta bảo cần hủy vì sẽ không phát sinh chi phí. Sau đó mình gỡ cài đặt Shopee khỏi điện thoại. Dù thời gian đầu rất khó khăn với mình, trong đầu mình lúc nào cũng nghĩ đến việc săn sale. Thậm chi đôi lúc bất giác nghĩ về nó, mà trong tay mình đã cầm điện thoại và lên CHPlay lúc nào không hay.
Dù khó chịu là vậy, nhưng một thời gian sau, khi không còn dính đến nó nữa, mình cảm thấy như trút đi gánh nặng, cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Cần mua gì thì tự thân đi mua (Điều này có 1 điểm lợi đó là bạn có thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, tránh phải đổi trả nếu hàng lỗi như khi còn mua đồ online). Mình đã hoàn toàn cách ly được với Shopee chỉ sau 2 tháng.
2/ Cách 2: Tải Lazada
Người thành công thường có lối đi riêng. Mình lại đùa thôi, thật ra không cần cách thứ 2, chỉ cần các bạn quyết tâm và thành công trong cách thứ nhất thì bạn sẽ cai nghiện được Shopee thôi.
Mình tin chắc chắn bạn sẽ làm đượ!
Tổng kết
Vậy là mình đã vừa hướng dẫn các bạn cách cai nghiện Shopee hiệu quả và triệt để nhất. Thật ra đây cũng chỉ là bài viết chia sẻ của mình thôi, hoàn toàn không phải vài viết khuyên các bạn bỏ shopee hay mua sắm online cả. Vấn đề là phải mua sắm 1 cách hợp lý, tận dụng tối đa những tiện lợi mà Shopee mang lại. Cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại mà đúng không nào. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian để theo dõi bài viết này!