Tìm kiếm
Tìm kiếm
Close this search box.
Nội dung bài viết

Tóm tắt sách “Khởi Nghiệp Tinh Gọn”

Bản sao của Tóm tắt sách - templates (15)
Đánh giá bài viết

Giới thiệu về sách:

Cuốn sách “Khởi Nghiệp Tinh Gọn” không chỉ là một hướng dẫn cụ thể về cách bắt đầu một doanh nghiệp mà còn mang lại nguồn cảm hứng và kiến thức quý giá cho những ai muốn thử sức trong lĩnh vực khởi nghiệp. Tác giả không chỉ chia sẻ các bí quyết và chiến lược để khởi nghiệp hiệu quả mà còn truyền đạt tinh thần kiên nhẫn và quyết tâm cần thiết. Với cách viết cuốn hút và sâu sắc, cuốn sách này hứa hẹn sẽ trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy trên con đường khởi nghiệp.

Thông tin về sách: 

  • Nguyên tác: The Lean Startup
  • Tác giả: Eric Ries
  • Người dịch: Nguyễn Dương Hiếu – Trịnh Hoàng Kim Phượng – Đặng Nguyễn Hiếu Trung
  • Nhà xuất bản Thời Đại, 2012
  • Sách gồm 331 trang

Về tác giả:

  • Eric Ries là một doanh nhân, diễn giả, cố vấn và giảng viên tại Harvard Business School.
  • Ông là Giám đốc Công nghệ của Công ty IMVU.
  • Eric cũng là tác giả của blog “Startup Lesson Learned”.

Tóm tắt sách “Khởi Nghiệp Tinh Gọn”

Khởi nghiệp tinh gọn đang trở thành một xu hướng kinh doanh mới, được triển khai rộng rãi trên toàn cầu. Đây là một quá trình không ngừng kiểm tra và điều chỉnh tầm nhìn kinh doanh, để có thể thích nghi trước khi mọi việc trở nên quá muộn.

Phần I – Tầm nhìn

1. Khởi đầu

Việc bắt đầu một doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan chặt chẽ đến cơ cấu tổ chức và quản lý. Việc sử dụng quá nhiều năng lượng không hiệu quả thường dẫn đến nhiều thất bại. Khái niệm “Khởi Nghiệp Tinh Gọn” được lấy cảm hứng từ phong cách sản xuất tinh gọn của Toyota. Nguyên tắc cơ bản của nó là loại bỏ lãng phí, khuyến khích sự sáng tạo từ người lao động, giảm bớt quy mô nhóm, sản xuất đúng thời điểm, kiểm soát tồn kho và tăng cường hiệu suất sản xuất.

Khởi Nghiệp Tinh Gọn hướng dẫn các doanh nghiệp đi qua chu trình Xây dựng – Đo lường – Học hỏi và điều chỉnh, với mục tiêu cuối cùng là đạt được tầm nhìn chiến lược của mình trong quá trình tối ưu hóa.

2. Định nghĩa

Khởi nghiệp là việc thiết lập một cơ cấu tổ chức nhằm tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới dưới điều kiện thiếu chắc chắn.

Không có quy định cụ thể về quy mô, lĩnh vực hoạt động hoặc vị trí địa lý. Bất kể ai đang tạo ra một sản phẩm mới hoặc một công ty mới dưới điều kiện không chắc chắn đều được gọi là doanh nhân khởi nghiệp.

Khởi nghiệp không chỉ là về sản phẩm, công nghệ hoặc ý tưởng, mà còn liên quan đến việc xây dựng một cơ cấu tổ chức con người sâu sắc.

3. Học hỏi

Doanh nhân thường thể hiện sự sáng tạo cao độ khi chia sẻ những kinh nghiệm họ đã học được dưới áp lực thành công. Việc học là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp. Mô hình Khởi Nghiệp Tinh Gọn đặt nền tảng cho việc học hỏi có cơ sở. Việc nhận biết và loại bỏ lãng phí một cách có hệ thống cho phép các công ty như Toyota chiếm lĩnh thị trường.

Tư duy tinh gọn đặt giá trị vào việc đem lại lợi ích cho khách hàng. Những công việc không cần thiết cho việc hiểu biết nhu cầu của khách hàng có thể được loại bỏ, điều này được gọi là việc học hỏi có cơ sở. Chúng ta có thể thử nghiệm, cung cấp cho khách hàng cơ hội để họ trải nghiệm và quan sát hành vi của họ.

Khởi Nghiệp Tinh Gọn không chỉ là một loạt các chiến lược nhỏ, mà là một phương pháp và nguyên tắc để phát triển cái mới. Điều quan trọng là tìm kiếm sự phù hợp giữa tầm nhìn của doanh nghiệp và nhu cầu thực tế của khách hàng, thay vì cố gắng ép buộc khách hàng chấp nhận những gì doanh nghiệp nghĩ họ cần hoặc nên muốn. Hiệu suất của một doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ đo lường bằng việc sản xuất ra những sản phẩm hay dịch vụ mới, mà còn bằng việc thu thập kiến thức từ những thử nghiệm có cơ sở.

4. Thử nghiệm

Thường thì chúng ta tin tưởng vào các dự án và kế hoạch đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhưng thị trường luôn biến đổi, và môi trường kinh doanh luôn không ổn định.

Phương pháp Khởi Nghiệp Tinh Gọn thúc đẩy việc thử nghiệm chiến lược để xác định điểm mạnh và yếu.

Một thử nghiệm hiệu quả cần tuân theo phương pháp khoa học: bắt đầu với giả định, dự đoán kết quả, sau đó thử nghiệm và kiểm tra.

Việc thử nghiệm trong khởi nghiệp được hướng dẫn bởi tầm nhìn của doanh nghiệp, giúp khám phá cách xây dựng một công ty mạnh mẽ trên nền tảng tầm nhìn đó. Bước đầu tiên là phân chia ý tưởng lớn thành các phần nhỏ hơn, dự đoán giả định về giá trị và tăng trưởng, và kiểm tra liệu sản phẩm hoặc dịch vụ có mang lại giá trị cho khách hàng khi họ sử dụng hay không. Phản hồi và những bài học từ các thử nghiệm là vô cùng quan trọng, vì chúng có ý nghĩa hơn cả việc tiến hành một cuộc khảo sát.

Phần II – Lèo lái

5. Nhảy vọt

Năm 2004, ba chàng sinh viên trẻ đã cho ra đời mạng xã hội Facebook dành cho cộng đồng đại học. Điều thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư là thời gian mà người dùng dành cho trang web này, và việc nó tập trung ngay tại một số ít trường đại học, mặc dù Facebook không chi trả để thu hút khách hàng khác mà chú trọng vào một cách tăng trưởng khác. Đó là giai đoạn thử nghiệm giúp họ khám phá kỹ thuật của riêng mình.

Mỗi doanh nghiệp bắt đầu với một chuỗi phỏng đoán. Một chiến lược dựa trên phỏng đoán thường đầy lỗ hổng, do đó, nỗ lực ban đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp là kiểm tra chúng càng sớm càng tốt. Nếu phỏng đoán chính xác, thì chúng ta sẽ thành công. Nếu chúng sai, thì doanh nghiệp sẽ thất bại. Đó là về sự mạo hiểm trong niềm tin. Tuy nhiên, sự mạo hiểm trong niềm tin đó cần phải trở thành hiện thực, phải dựa trên một tầm nhìn xa, đúng thời điểm và địa điểm.

Có những doanh nghiệp chìm đắm trong cảm giác thành công, sử dụng tăng trưởng ngoại vi để tạo ra ấn tượng thành công. Đừng để chiến lược ban đầu bị sai lệch hoặc đi theo trực giác. Hãy thực hiện kế toán cách tân để duy trì mô hình tài chính định lượng và đánh giá nghiêm ngặt sự tiến bộ.

Hãy đưa ra các quyết định dựa trên trải nghiệm thực tế, một nguyên tắc mà Toyota gọi là Genchi Gembutsu, có nghĩa là “Đi và xem trực tiếp”. Từ đó, quyết định kinh doanh sẽ dựa trên những hiểu biết sâu sắc được quan sát trực tiếp. Với hiểu biết đó, chúng ta có thể tạo ra một hình mẫu khách hàng, điều này là cực kỳ quan trọng cho việc phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, hình mẫu khách hàng chỉ là một giả định, không phải là sự thật, vì đôi khi khách hàng thực sự không biết họ muốn gì. Do đó, cần phải phân tích, nhưng quá phân tích cũng có thể gây hậu quả, và không phân tích cũng có thể dẫn đến thất bại. Vì vậy, điều quan trọng là ý tưởng của sản phẩm tối thiểu, MVP (minimum viable product).

6. Kiểm tra

MVP yêu cầu lòng dũng cảm để kiểm tra các phỏng đoán của mình. MVP giúp doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu quá trình học hỏi càng nhanh càng tốt. Đó là cách duy nhất để vượt qua chu trình Xây dựng – Đo lường – Học hỏi.

Hầu hết các doanh nhân và nhà phát triển sản phẩm thường đưa ra nhiều tính năng hơn cần thiết của MVP, đó là sự lãng phí. Khi xây dựng MVP, cần loại bỏ các tính năng không đóng góp trực tiếp vào quá trình học hỏi. Cần xác định khách hàng là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình sản xuất. Nếu chúng ta không biết khách hàng là ai, thì cũng không biết điều gì tạo nên chất lượng. Doanh nghiệp cần phải biết những thuộc tính nào mà khách hàng đánh giá cao, và tập trung vào việc tạo ra sản phẩm có giá trị đó. Mỗi thứ được thiết kế để giải quyết một vấn đề cho khách hàng. Nếu MVP đôi khi bị khách hàng coi là kém chất lượng, thì đó là cơ hội để học hỏi và nắm bắt thêm những thuộc tính mà khách hàng quan tâm.

Kết quả ban đầu là vô cùng quan trọng trong việc dự đoán hướng đi trong tương lai. Cách duy nhất để biết được là kiểm tra mô hình tăng trưởng một cách có hệ thống với khách hàng thực. Tránh sự cám dỗ của việc xây dựng quá nhiều và hứa hẹn quá nhiều, đặt quá nhiều vào việc nghiên cứu thị trường. Khi đã sẵn sàng để mở rộng qui mô, chúng ta sẽ có một bản đồ chi tiết để xây dựng cái gì.

7. Đo lường

Nhiệm vụ của một doanh nghiệp khởi nghiệp là đo lường một cách nghiêm ngặt vị thế hiện tại của mình, đối mặt với sự thật khó khăn và nhận ra từ các đánh giá. Sau đó, phải nghĩ ra các cách thử nghiệm để học cách di chuyển con số thực tế gần hơn với mục tiêu lý tưởng của dự án kinh doanh.

Kế toán trở thành một phần không thể thiếu trong phương pháp thực thi, kiểm soát tập trung và gán trách nhiệm cho các bộ phận, cá nhân phải đạt các mục tiêu cụ thể. Các công ty khởi nghiệp cần trang bị một loại kế toán mới cơ cấu đặc biệt cho các tiến bộ đột phá. Đó là kế toán cách mạng.

Kế toán cách mạng hoạt động theo ba bước:

i) Sử dụng sản phẩm MVP để xây dựng dữ liệu thực về vị thế hiện tại của doanh nghiệp. Trong số nhiều dự đoán trong kế hoạch kinh doanh, bạn nên kiểm tra các dự đoán có nhiều rủi ro nhất. Nếu không tìm ra cách giảm thiểu các rủi ro trên đường hướng tới mục tiêu lý tưởng cần thiết để tạo nên doanh nghiệp bền vững, thì việc kiểm tra các yếu tố khác cũng không có ý nghĩa gì nữa.

ii) Điều chỉnh động cơ để chạy từ vị trí xuất phát đến mục tiêu lý tưởng. Mọi sự phát triển sản phẩm, tiếp thị hoặc các hoạt động khác đều nhằm mục đích ảnh hưởng lên mô hình phát triển của nó. Chú ý đến tỷ lệ tăng trưởng phụ thuộc chủ yếu vào: khả năng sinh lợi của một khách hàng, chi phí thu được từ khách hàng mới và tỷ lệ tái mua của khách hàng hiện có và mức độ phát triển của khách hàng mới.

iii) Đề xuất quyết định điều chỉnh hoặc tiếp tục theo dõi, đây là những quyết định quan trọng và khó khăn nhất trong các quyết định, khó khăn và tốn thời gian nhất là việc điều chỉnh hoặc tiếp tục theo hướng ban đầu.

8. Điều chỉnh hay đeo bám

Nhiều doanh nghiệp đạt được một ít thành công – đủ để tồn tại – nhưng không đáp ứng được kỳ vọng của người sáng lập và nhà đầu tư, nhưng do lòng trung thành, nhân viên và người sáng lập không muốn từ bỏ. Họ tin rằng, theo phương pháp của Khởi Nghiệp Tinh Gọn, có một phương pháp đơn giản cho việc điều chỉnh hoặc thực hiện đeo bám. Nhưng không phải vậy! Vì không có cách nào loại trừ yếu tố con người khỏi quy trình khởi nghiệp.

Chúng ta có thể học hỏi, chúng ta có trí sáng tạo tự nhiên, chúng ta có khả năng nhìn thấy sự cản trở, nhưng con người vẫn có thể phán xét sai lầm. Tinh thần của phương pháp khoa học là có thể cải thiện sự phán đoán đó bằng cách đưa ra nhiều giả thuyết và thử nghiệm chúng nhiều lần.

Khi đã bỏ ra tiền bạc, thời gian và năng lượng sáng tạo vào một ý tưởng, việc điều chỉnh trở nên khó khăn hơn. Sự khôn ngoan là tận dụng các nguồn lực phát triển sản phẩm và áp dụng chúng vào một sản phẩm mới, độc đáo.

Điều chỉnh và thử nghiệm một giả thuyết mới để tìm kiếm những tri thức được chứng minh là chính xác hơn. Điều chỉnh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi công ty đang phát triển. Thậm chí sau khi công ty đã đạt được thành công ban đầu, việc điều chỉnh vẫn tiếp tục.

Quyết định điều chỉnh gây ra tổn thất cảm xúc. Để giảm nhẹ điều này, công ty khởi nghiệp nên thường xuyên tổ chức các cuộc họp “điều chỉnh hay đeo bám” có sự tham gia của các bộ phận; cộng thêm góc nhìn từ các nhà tư vấn bên ngoài và thông tin chi tiết về các cuộc trò chuyện với khách hàng hiện tại và tiềm năng.

Một điều chỉnh không chỉ là lời kêu gọi thay đổi. Hãy nhớ rằng, đó là một dạng thay đổi được cơ cấu, thiết kế để kiểm nghiệm một giả thuyết căn bản mới về sản phẩm, mô hình kinh doanh, và động cơ tăng trưởng. Nó là trái tim của phương pháp Khởi Nghiệp Tinh Gọn. Phần III – Tăng tốc

9. Loạt sản xuất

Quy luật sản xuất hàng loạt là rất quan trọng trong hoạt động của công ty. Giải pháp sản xuất theo loạt nhỏ cứ một vài giây làm một sản phẩm hoàn chỉnh; trong khi giải pháp sản xuất theo loạt lớn sẽ tạo ra toàn bộ sản phẩm cùng một lúc.

Các nhà máy sản xuất hàng loạt đã lắp ráp xe hơi bằng cách chi một số tiền khổng lồ để mua máy móc,

thiết bị lớn, để đáp ứng sản xuất phụ tùng xe hơi hàng loạt với số lượng lớn bằng cách cho máy hoạt động tối đa. Các chiếc xe hơi giống nhau được sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ.

Trong sản xuất hàng loạt, cách để tránh tình trạng cháy hàng là trong kho phải tồn trữ một lượng lớn phụ tùng để sử dụng khi cần thiết. Tuy nhiên, việc này mang lại chi phí cho việc cất giữ, vận chuyển, và theo dõi chúng. Nếu một phụ tùng nào đó bất ngờ bị lỗi, thì tất cả các phụ tùng trong kho đều trở nên vô dụng.

Toyota đã đạt được thành công bằng cách sử dụng các loạt sản xuất nhỏ, họ mua các máy móc đa năng có thể sản xuất nhiều loại phụ tùng từng loạt nhỏ đúng thời điểm. Ưu điểm lớn nhất của việc sản xuất theo loạt nhỏ là vấn đề chất lượng được phát hiện sớm thông qua hệ thống andon cord (dây báo lỗi) gọi là hệ miễn dịch của sản phẩm. Việc giải quyết vấn đề cháy hàng được thực hiện thông qua kỹ thuật gọi là kéo (pull), kịp thời (just-in-time) và giảm thiểu tối đa hàng tồn kho.

Nhờ vào thành công của hoạt động sản xuất tinh gọn, nhiều dây chuyền lắp ráp được sắp đặt sao cho mỗi sản phẩm mới, khi hoàn tất và ra khỏi dây chuyền, sẽ hoàn toàn đúng theo đơn đặt hàng mà không phải hy sinh về chất lượng. Toyota từ việc phục vụ các thị trường nhỏ, phân khúc nhiều hơn và vẫn cạnh tranh được với các nhà sản xuất hàng loạt để rồi trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới vào năm 2008.

10. Tăng trưởng

Tăng trưởng bền vững được mô tả bằng một quy luật: “Khách hàng mới có được là do những hành động của khách hàng cũ”. Những hành động này thể hiện qua bốn cách:

i) Tin đồn bắt nguồn từ lòng nhiệt tình của khách hàng hài lòng với một sản phẩm. Sản phẩm có khả năng lan truyền tăng trưởng phụ thuộc vào việc chia sẻ từ người này sang người khác. Sản phẩm với hệ số lan truyền càng cao thì tăng trưởng càng nhanh. Hệ số lan truyền lớn hơn 1 (một khách hàng cũ chiêu mộ được một khách hàng mới) sẽ tăng trưởng theo cấp số mũ. Nếu hệ số lan truyền bé hơn 1 thì sự tăng trưởng không bền vững và có thể giảm sút.

ii) Tác động phụ của việc sử dụng sản phẩm cũng tạo ra sự tăng trưởng. Khi một người thấy người khác sử dụng một sản phẩm, họ có xu hướng muốn mua sản phẩm đó.

iii) Thông qua quảng cáo, các doanh nghiệp thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm của họ. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng chi phí tìm kiếm khách hàng mới không vượt qua doanh thu từ khách hàng đó – sự cân đối này được gọi là lợi nhuận biên – lợi nhuận biên càng cao thì tăng trưởng càng mạnh.

iv) Thông qua quá trình mua bán hoặc sử dụng lặp lại, nghĩa là sản phẩm được thiết kế để có thể được mua lại và bán lại nhiều lần, không chỉ là một lần duy nhất.

Mỗi nguồn tăng trưởng như một động cơ đốt trong, liên tục quay, và càng nhanh thì công ty tăng trưởng càng mạnh. Cần phải liên tục cải thiện khả năng giữ chân khách hàng. Tìm kiếm khách hàng là mục tiêu cạnh tranh quan trọng của mỗi công ty.

Các công ty khởi nghiệp chỉ cần tập trung vào một động cơ tại một thời điểm. Khi đang theo đuổi một động cơ cụ thể một cách liên tục và toàn diện, cân nhắc việc điều chỉnh sang một động cơ khác.

Nhưng thực tế, mọi động cơ đều sẽ dần dần “hết nhiên liệu”, và thời gian cho việc này có thể kéo dài hoặc ngắn tùy thuộc vào ngành kinh doanh. Nếu một động cơ chỉ chạy theo con đường của nó và đạt đến hồi kết thúc, tăng trưởng sẽ chậm lại hoặc dừng lại. Công ty sẽ phải tìm ra những nguồn năng lượng mới thông qua việc điều chỉnh và phát triển, để đảm bảo sự bền vững trong tăng trưởng.

11. Thích nghi

Chúng ta không cần phải xây dựng một chương trình đào tạo lớn lao, nhưng có thể xây dựng một chương trình đào tạo chất lượng để đảm bảo nhân viên mới được tuyển dụng có thể đạt được hiệu suất cao ngay từ đầu. Đó là, một kỹ sư mới sẽ được giao cho một “sư phụ” để hướng dẫn. Kết quả làm việc của cả hai sẽ liên kết với nhau, vì vậy người hướng dẫn sẽ cực kỳ nghiêm túc trong quá trình này.

Để hoạt động hiệu quả, các công ty khởi nghiệp cần phải có một “bộ điều chỉnh tốc độ” tích hợp, giúp nhóm hoặc đội tìm ra nhịp độ làm việc tối ưu của mình.

Toyota có một câu ngạn ngữ đối lập: “Ngừng sản xuất để sản xuất không bao giờ ngừng”. Công việc phải dừng lại ngay khi có vấn đề chất lượng chưa được giải quyết. Vì nếu không, bạn sẽ phải làm lại nhiều công việc sau này, giảm năng suất và gây phân tâm cho khách hàng.

Khi gặp vấn đề, bạn có thể sử dụng hệ thống Five Whys (Năm câu hỏi tại sao). Đây là một công cụ xử lý vấn đề được sử dụng trong hệ thống sản xuất của Toyota, đồng thời là một giải pháp thay thế cho các chương trình đào tạo.

Ví dụ, khi một máy ngừng hoạt động:

  • Tại sao máy ngừng hoạt động? (Ví dụ: bị quá tải và nổ cầu chì)
  • Tại sao bị quá tải? (Ví dụ: vòng bi không được tra dầu đầy đủ)
  • Tại sao vòng bi lại không được tra dầu đầy đủ? (Ví dụ: ống bơm dầu không hoạt động đúng cách)
  • Tại sao ống bơm dầu không hoạt động đúng cách? (Ví dụ: trục bơm đã bị mòn và không hoạt động đúng cách)
  • Tại sao trục bơm đã bị mòn? (Ví dụ: không có bộ lọc đúng cách gắn kèm với trục bơm, do đó bụi kim loại có thể lọt vào)

Việc đặt câu hỏi “tại sao” năm lần như vậy giúp bạn xác định vấn đề cốt lõi và sửa chữa nó. Từ các vấn đề kỹ thuật (như cầu chì bị cháy) đến các vấn đề liên quan đến con người (như việc ai đó quên gắn bộ lọc).

Giải pháp Five Whys có vai trò như một bộ điều chỉnh tốc độ tự nhiên, vì có nguy cơ các đội, nhóm làm việc quá nhanh, đánh đổi chất lượng lấy thời gian.

Giải pháp Five Whys gắn liền tốc độ phát triển với việc học hỏi. Bạn sẽ thu được tất cả các kỹ năng khác từ Khởi Nghiệp Tinh Gọn thông qua giải pháp này.

Nếu không sử dụng giải pháp này, một số người có thể chỉ trích lẫn nhau và tìm lỗi ở người khác, vì đó là bản tính của con người.

Trong mọi tình huống, việc có sự hiện diện của người có thẩm quyền là rất quan trọng, triệu tập một cuộc họp đầy đủ với những người liên quan. Người lãnh đạo phải nói rằng: “Chúng ta sẽ thực sự tồi tệ nếu lặp lại lỗi này”; “Nếu quy trình sản xuất của chúng ta quá yếu đuối đến mức bạn có thể phá hủy nó, thì điều đó làm tổn thương chúng ta”. Công việc của một công ty khởi nghiệp không bao giờ hoàn tất, thậm chí các công ty bền vững cũng phải vật lộn để tìm ra các nguồn phát triển mới thông qua các cải tiến đột phá.

12. Cách tiếp cận mới

Cho dù là công ty lớn hay các doanh nghiệp mới, họ phải thích ứng với sự cân nhắc giữa nhu cầu của khách hàng hiện tại và thách thức trong việc thu hút khách hàng mới. Họ quản lý nhiều lĩnh vực kinh doanh và thường phải tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới, điều này đòi hỏi sự thay đổi. Để xây dựng các nhóm cải tiến nội bộ, điều quan trọng là phải chú ý đến các thuộc tính sau: có nguồn lực hạn chế nhưng đảm bảo; có sự độc lập trong quyền ra quyết định để phát triển công việc và có lợi ích cá nhân từ thành công của dự án.

Khi đầu tư quá nhiều ngân sách cho các dự án cải tiến, đôi khi cũng có thể gây hại tương tự như khi ngân sách ít. Quan trọng là nguồn lực đó phải được bảo vệ mà không bị can thiệp. Các dự án cải tiến cần có độ tự chủ cao để phát triển và đưa sản phẩm mới ra thị trường trong phạm vi quyền hạn được giao. Doanh nhân cần có lợi ích cá nhân từ thành công của quá trình cải tiến thông qua việc chọn cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp.

Giữ thông tin cải tiến không được công bố cho công ty mẹ có thể gây ra những hậu quả tiêu cực lâu dài. Bởi khi nhà quản lý biết rằng họ không được thông tin, họ cảm thấy như bị phản bội. Thậm chí khi cải tiến thành công, điều này cũng không thể giải thích cho việc giấu giếm thông tin.

Quan trọng nhất là phải tập trung vào việc thiết lập các quy tắc cơ bản để các nhóm có thể tự chủ trong hoạt động của mình. Ban đầu, cần phải tạo ra một cơ cấu để ủy quyền cho các nhóm cải tiến, và giải pháp là tạo ra một “khung thử nghiệm cải tiến”: chỉ áp dụng cho một phần sản phẩm hoặc dịch vụ, hoặc chỉ đối với một phần khách hàng. Thành lập các nhóm theo dõi thử nghiệm, với một thời gian quy định và một nhóm đích xác định. Kết quả thử nghiệm cần được báo cáo, đánh giá bằng các tiêu chí thành công và phản hồi từ khách hàng. Nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra, thử nghiệm cần được hủy bỏ. Khi thử nghiệm thành công, sản phẩm sẽ trở thành một phần của danh tiếng của công ty, liên quan đến công việc PR, tiếp thị, bán hàng và phát triển kinh doanh. “Khung thử nghiệm cải tiến” sẽ mở rộng theo thời gian, có thể mở rộng phạm vi của nó.

13. Kết luận – Đừng lãng phí

Kể từ năm 1911, Taylor đã viết:

“Chúng ta đã lãng phí rất nhiều về rừng, thủy năng, đất đai, khoáng sản… Nhưng lãng phí lớn nhất chính là nỗ lực của con người thông qua những hành động sai lầm, ngớ ngẩn, hướng dẫn sai lạc hoặc không hiệu quả.”

Việc sử dụng thời gian một cách không hiệu quả là một lãng phí lớn, phản ánh sự lãng phí trước sự sáng tạo và tiềm năng của con người. Sự yêu cầu ngày càng tăng của một thế giới đang biến động đã làm cho các giải pháp cổ điển trở nên vô ích.

Hoạt động Khởi Nghiệp Tinh Gọn đứng ở phía đối lập với tình trạng lo âu này.

Hoạt động Khởi Nghiệp Tinh Gọn đại diện cho nguyên tắc “sử dụng phương pháp khoa học” để đưa ra các câu trả lời cho các thách thức cấp bách nhất về cách tiếp cận mới.

Xã hội của chúng ta cần sự sáng tạo và tầm nhìn của các doanh nhân hơn bao giờ hết. Điều này là tài nguyên quý giá mà chúng ta không thể bỏ qua. Tất cả các cách tiếp cận mới đều bắt đầu từ một tầm nhìn, và những gì xảy ra tiếp theo là quan trọng nhất.

Tôi đề xuất tạo ra các phòng thí nghiệm, các dự án khởi nghiệp có thể thử nghiệm mọi phương pháp phát triển sản phẩm. Tôi tin rằng mục tiêu của chúng ta là thay đổi toàn bộ hệ thống sinh thái kinh doanh khởi nghiệp.

Tôi cũng đề xuất tạo ra một thị trường chứng khoán dài hạn để giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp theo “tư duy dài hạn”. Ngoài báo cáo lợi nhuận hàng quý và biên lợi nhuận, các doanh nghiệp này sẽ sử dụng phương pháp kế toán cải tiến để báo cáo về các nỗ lực khởi nghiệp và cải tiến nội bộ.

Tôi tin rằng việc áp dụng khoa học vào kinh doanh khởi nghiệp sẽ giải phóng tiềm năng bất tận của con người, giúp chúng ta tiến bộ bằng cách loại bỏ những công việc không cần thiết mà không học hỏi được gì từ đó. Chúng ta sẽ dành thời gian để tạo ra những thể chế mới. Nhiệm vụ dài hạn là xây dựng giá trị bền vững và thay đổi để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Lời kết

Cuốn sách đã làm rõ rằng để thành công trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng, chúng ta cần phải sẵn sàng thích nghi, sáng tạo và luôn tìm kiếm các cách tiếp cận mới. Điều này không chỉ áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh mà còn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta cần phải mở rộng tầm nhìn và tạo ra những thay đổi tích cực để thúc đẩy sự phát triển bền vững và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Người tóm tắt: Tần Phú An

Xem thêm: Tóm tắt sách “Bơi cùng cá mập mà không bị nuốt chửng”

0 0 phiếu bầu
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận

Related Posts

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Tự động hoá quy trình bán hàng & marketing của bạn ngay hôm nay.

(Nhận 7 ngày dùng thử miễn phí)

atpsoftware logo

Phiên bản ATP Cookie v1.1 có nhiều lỗ hổng về bảo mật được phát hiện bởi đội ngũ kỹ thuật của team Chongluadao. Sau khi kiểm tra lại toàn bộ mã nguồn, chúng tôi đã tiến hành sửa lỗi và tạo ra phiên bản ATP Cookie v1.3.

Khách hàng đang sử dụng phiên bản cũ xin vui lòng xoá và tải phiên bản mới nhất để sử dụng.

Cập nhật phiên bản ATP Cookie v1.3 mới:

– Dữ liệu sẽ được xử lý và hiển thị ngay tại giao diện của tiện ích ATP Cookie (Client-side) thay vì đưa về xử lý tại server như phiên bản cũ (Serᴠer-side)

– Khi người dùng thao tác lấy cookie từ tiện ích ATP Cookie, sẽ có thông báo hiển thị cookie sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Tiện ích chỉ được phép truy xuất cookie từ trình duyệt trong trường hợp có sự đồng ý của người dùng.