Tìm kiếm
Close this search box.

Tóm tắt sách “7 thói quen để thành đạt” của Stephen R. Covey

tóm tắt 7 thói quen để thành đạt
Đánh giá bài viết

Cuốn sách 7 thói quen để thành đạt là một cuốn sách rất nổi tiếng của Stephen R. Covey. Vậy nội dung chính của cuốn sách này là gì? Hãy cùng ATP Holdings tóm tắt nội dung bên dưới nhé!

Giới thiệu chung về cuốn sách 7 thói quen để thành đạt

Tác phẩm: Bảy Thói Quen Của Những Người Thành Đạt

Tác giả: Stephen R. Covey

Người dịch: Nguyễn Văn Cừ

Nhà xuất bản: Thống Kê

Số trang: 385

Về tác giả:

Stephen R. Covey là cựu sinh viên cao học của Đại học Harvard và là tiến sĩ của Đại học Brigham Young. Ông là giáo sư khoa quản lý tại trường Marrott và là chủ tịch của trung tâm lãnh đạo Covey.

Nội dung chính:

Cuốn sách này phân tích các quy luật chi phối và khơi dậy năng lực tiềm ẩn trong mỗi người. Được coi là cẩm nang về sự lãnh đạo, đây là chìa khóa dẫn đến thành công không chỉ trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh mà còn trong cuộc sống cá nhân, gia đình và các mối quan hệ xã hội.

Tóm tắt nội dung sách 7 thói quen để thành đạt

Phần đầu – Mẫu và Nguyên Lý

Từ Trong Ra Ngoài

Có những cá nhân dù thành đạt bề ngoài nhưng bên trong đang đấu tranh với khát vọng thầm kín. Để thay đổi hoàn cảnh này, cần phải bắt đầu từ việc thay đổi bản thân, tức là thay đổi nhận thức của mình.

Sự thành công và hạnh phúc lâu dài được cho là phải xuất phát từ đạo đức tính cách, bao gồm liêm chính, khiêm nhường, can đảm, công bằng… Đây là những nguyên lý cơ bản chi phối hiệu quả của con người, không thay đổi và không cần bàn cãi, tồn tại bất chấp mọi điều kiện xã hội.

Còn một quan niệm khác về thành công dựa trên Đạo Đức Nhân Cách, nghĩa là sự thành công phụ thuộc vào hình ảnh của bản thân trước công chúng, thái độ, hành vi, kỹ năng. Đạo đức nhân cách chủ yếu dựa trên thái độ tích cực và kỹ năng quan hệ, gần như mánh khóe, thủ thuật.

7 Thói Quen Tổng Quan:

Tính cách của chúng ta chủ yếu là hỗn hợp của các thói quen. Việc phá vỡ thói quen xấu đòi hỏi nỗ lực lớn nhưng mang lại tự do và sự mới mẻ cho bản thân.

Bảy thói quen được bàn luận trong sách là cốt lõi của tính hiệu quả, dựa trên nguyên lý và làm nền tảng cho tính cách con người. Chúng ta đi từ sự phụ thuộc, qua độc lập, đến tùy thuộc lẫn nhau, mỗi bước đều cần thiết cho thành công trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tính hiệu quả cũng được thể hiện qua nguyên lý cân bằng giữa sản xuất (P) và năng lực sản xuất (PC), nhấn mạnh sự quan trọng của việc duy trì và phát triển nguồn lực cá nhân và tổ chức.

Để đạt được sự thay đổi, ta cần thay thế những mẫu cũ bằng những mẫu mới, kiên trì với bản thân và trân trọng những gì ta đã đạt được thông qua nỗ lực và sự phấn đấu.

Phần thứ hai – Thắng lợi riêng tư

Thói quen 1: Phải tích cực

Các nguyên lý về sự tưởng tượng của cá nhân

Là con người, chúng ta có khả năng “tự nhận thức”, tức khả năng đứng riêng ra để xem xét chúng ta, “nhìn thấy” chúng ta. Trong thực tế, chúng ta chưa quan tâm đến việc này. Chúng ta chỉ có những hình ảnh của chúng ta từ tấm gương xã hội. Điều này khẳng định rằng, hoàn cảnh có vai trò quyết định đối với chúng ta.
Ba học thuyết về quyết định luận phổ biến là: Di truyền quyết định tức do tính thừa kế. Tâm thần quyết định tức do hệ quả của sự giáo dục từ tấm bé. Môi trường quyết định tức do hoàn cảnh tạo ra.

Nhưng Frankl lại cho chúng ta một bài học hoàn toàn khác. Ông là một tù nhân của Đức Quốc Xã, bị giam cầm rất khắc nghiệt, cái chết kề vai. Trong những giây phút đó, ông phát hiện ra rằng “sự tự do cuối cùng của con người” không thể bị tước đoạt, đó là năng lực nội tại quyết định lựa chọn của mình. Ông đã giúp những người khác (kể cả cai ngục) tìm ý nghĩa trong sự đau đớn và nhân phẩm trong cuộc sống lao tù. Giữa tác nhân kích thích và phản ứng, con người có sự tự do lựa chọn. Vì chúng ta có trí tưởng tượng, có lương tâm ý chí độc lập không chịu ảnh hưởng của người khác.

Định nghĩa “Tính tích cực”

Khả năng tự do lựa chọn phản ứng, không lên án hoàn cảnh, tình huống hoặc một tác động ngoại lai đối với hành vi của mình đó là “tính tích cực”. Tính tích cực không đơn thuần là dẫn đầu mà còn phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của bản thân mình.

Có ba giá trị chủ yếu trong cuộc sống: giá trị kinh nghiệm, giá trị sáng tạo và giá trị thái độ tức phản ứng của ta trong hoàn cảnh. Thái độ và hành vị của ta xuất phát từ mẫu của chúng ta nếu chúng ta biết sử dụng khả năng tự nhận thức và xem xét chúng. Chọn phản ứng cho hoàn cảnh, chúng ta sẽ tác động mạnh đến hoàn cảnh.

Mỗi người chúng ta quan tâm đến nhiều thứ, chúng ta có thể tách những cái mà chúng ta không có liên quan đặc biệt về trí tuệ và tình cảm. Trong lúc chúng ta được tự do lựa chọn hành động, chúng ta không thể lựa chọn hậu quả của hành động đó, vì hậu quả do quy luật tự nhiên chi phối. Nhưng chúng ta phải học cách chung sống với chúng ngay cả khi chúng ta không thích chúng, bằng cách này, chúng ta có khả năng làm cho chúng không điều khiển chúng ta được. Khi sự lựa chọn của chúng ta đem lại kết quả ngoài ý muốn, chúng ta gọi sự lựa chọn này là sai lầm, chúng ta không thể phủ nhận chúng. Tiếp cận tích cực đối với một sai lầm là thừa nhận nó lập tức, sửa chữa và rút kinh nghiệm. Nếu không sửa chữa và rút kinh nghiệm lại là một sai lầm kiểu khác.

Thói quen 2: Bắt đầu bằng kết thúc trong tâm trí

Người ta rất dễ bị rơi vào bẫy hoạt động, vào sự bận rộn của cuộc sống, làm việc càng ngày càng tích cực để leo lên những bậc thang của thành công, để rồi cuối cùng, phát hiện ra cái thang đó đang bắc nhầm tường.
Cho nên, chúng ta chỉ có thể thành đạt thật sự khi chúng ta “bắt đầu bằng sự kết thúc trong tâm trí”. Dựa trên nguyên lý mọi vật đều được sáng tạo hai lần. Lần thứ nhất là sự sáng tạo bằng trí tuệ, và lần thứ hai là sự sáng tạo vật chất hay thực tiễn.

Chẳng hạn, muốn kinh doanh có hiệu quả, bạn phải xác định trước tiêu chuẩn kinh doanh của mình trong tâm trí, sau đó mới đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn đã đặt ra.

Bạn suy nghĩ trong tâm trí về sản phẩm, dịch vụ, về vốn, thị trường, về tiếp thị, tổ chức nhân viên… khi mọi thứ đã chín muồi bạn bắt đầu bằng sự kết thúc trong tâm trí với sự triển khai kế hoạch trong thực tiễn. Phần lớn những thất bại trong kinh doanh là từ sự sáng tạo lần thứ nhất.

Khả năng tự nhận thức, trí tưởng tượng và lương tâm làm cho chúng ta có thể xem xét được những sáng tạo thứ nhất của chúng ta, để chúng ta viết lấy kịch bản.

Thói quen thứ hai cũng dựa trên nguyên lý về sự lãnh đạo; có nghĩa là lãnh đạo là sáng tạo lần thứ nhất. Lãnh đạo không phải là quản lý, quản lý sáng tạo lần thứ hai. Quản lý là tập trung vào phần việc bên dưới lãnh đạo giải quyết công việc bên trên. Không rèn luyện khả năng lãnh đạo sáng tạo để dẫn đầu đúng hướng thì không một tài năng quản lý nào có thể giữ cho khỏi thất bại.

Bằng trí tưởng tượng chúng ta có thể thấy những thế giới tự có của tiềm năng nằm trong ta. Bằng lương tâm, chúng ta có thể tiếp xúc với những quy luật phổ biến hay nguyên lý. Kết hợp với khả năng tự nhận thức, hai khả năng này sẽ làm cho chúng ta đủ sức viết lấy kịch bản của chính mình (chứ không phải thực hiện theo kịch bản của người khác).

Mỗi người có một sứ mệnh trong cuộc đời, không ai thay thế mình được. Cuộc đời của mình cũng không làm lại được. Cho nên, nhiệm vụ của mỗi người là độc nhất cũng như cơ hội để hoàn thành nhiệm vụ đó.

Thói quen 3: Đưa cái quan trọng nhất lên trước

Thói quen 3 là kết quả của cá nhân khi áp dụng thói quen 1 và 2 vào thực tế. Tức là: “Bạn là kẻ sáng tạo, bạn chịu trách nhiệm” và “Bạn thực hiện sáng tạo thứ nhất tức sáng tạo tinh thần”. Tất cả những thứ đó đều dựa trên trí tưởng tượng, lương tâm, ý chí độc lập và khả năng tự nhận thức. Thói quen 3 là sáng tạo thứ hai, sáng tạo vật chất, tức thực hành cách tự quản lý có hiệu quả.

Quản lý là sự đập nhỏ ra, phân tích, phối hợp, ứng dụng đặc trưng. Ý chí độc lập làm cho sự tự quản lý có hiệu quả, đó là khả năng lựa chọn quyết định và hành động phù hợp chứ không phải làm theo.

Sự quản lý hiệu quả là đưa những cái quan trọng lên trước, tổ chức và thực hiện các ưu tiên. Chúng ta phải thực hiện thói quen 2 để có một ý niệm rõ ràng về cái gì là quan trọng, nếu không, chúng ta dễ dàng chệch hướng khi bị các vấn đề cấp bách thúc ép.

Giải quyết các vấn đề như xây dựng quan hệ, dự phòng hoạt động PC, xem xét các cơ hội mới, lập kế hoạch, viết bản công bố nhiệm vụ cá nhân… là những vấn đề cần thiết nhưng ít người sẵn sàng làm chúng vì chúng không cấp bách. Bạn phải học từ chối các hoạt động khác, đôi khi có vẻ là cấp bách.

Quản lý hữu hiệu thời gian và cuộc sống là tổ chức và thực hiện các ưu tiên đã được cân đối. Bạn nên tổ chức cuộc sống của bạn theo từng tuần lễ đưa lại sự cân đối lớn hơn là kế hoạch hằng ngày.

Việc thực hiện chủ yếu phụ thuộc vào ý chí độc lập, kỷ luật tự giác, sự chính trực và sự cam kết của chúng ta với những nguyên lý và những giá trị sâu xa nhất để đem lại ý nghĩa và bối cảnh cho các ưu tiên, cho lịch công tác và cho cuộc sống của chúng ta.

Có người từ chối việc ủy nhiệm cho người khác vì họ cảm thấy mất thời gian và công sức và họ có thể tự làm lấy công việc sẽ tốt hơn. Nhưng ủy nhiệm một cách có hiệu quả có lẽ là một hoạt động mạnh mẽ nhất ở trình độ cao, để bạn có điều kiện dành sức lực cho các hoạt động có trình độ cao khác. Sự ủy nhiệm được tiến hành đúng đắn thì cuối cùng cả hai bên đều có lợi, vì sẽ làm được nhiều hơn với thời gian ít hơn. Sự ủy nhiệm có hiệu quả thể hiện quản lý có hiệu quả, đơn giản bởi vì nó là cơ bản cho cả sự phát triển cá nhân và tổ chức.

Phần thứ ba – Thắng lợi công cộng

Các mẫu của sự tùy thuộc lẫn nhau

Tùy thuộc lẫn nhau là một sự lựa chọn mà chỉ có người có tính tự chủ độc lập mới làm được. Bạn phải lấy kỷ luật tự giác làm nền tảng, lấy những nguyên lý đúng đắn làm trung tâm, được giá trị hướng dẫn và có khả năng tổ chức thực hiện các ưu tiên trong cuộc sống. Bạn phải hiểu rằng với sự chính trực thì chúng ta mới có thể gây dựng mối quan hệ phong phú, lâu dài với người khác.

Hãy gây dựng một tài khoản ngân hàng tình cảm để tạo cảm giác của sự an toàn, tạo sự tín nhiệm cao thì giao tiếp sẽ trở nên dễ dàng, diễn ra tức thì và có hiệu quả cao.

Để xây dựng một tài khoản ngân hàng tình cảm một cách phong phú, thì bạn cần phải:
1. Hiểu con người, để hiểu người thì cái gì là quan trọng của người khác cũng quan trọng đối với mình.
2. Quan tâm đến việc nhỏ, một cử chỉ ân cần nhỏ đôi lúc là sự kiện quan trọng.
3. Giữ lời cam kết, bạn bồi dưỡng thói quen giữ lời hứa, bạn sẽ xây dựng được chiếc cầu tín nhiệm.
4. Làm rõ những dự định, vì những dự định không rõ ràng trong phạm vi các mục tiêu cũng xói mòn sự giao tiếp và lòng tin.
5. Thể hiện sự chính trực của cá nhân, trung thành với người không có mặt, vì khi bạn bảo vệ những người vắng mặt bạn sẽ giữ được lòng tin với những người có mặt.
6. Thành thật nhận lỗi khi có sai lầm; Einstein khôn ngoan đã dạy rằng: “Nếu bạn sắp cúi xuống thì hãy cúi thật thấp”. Làm sao sự xin lỗi của bạn làm cho người ta cảm nhận là thành khẩn.
7. Nên nhớ rằng mọi vấn đề của P đều là cơ hội của PC. Với tài khoản ngân hàng tình cảm như vậy, chúng ta tiến vào các thói quen của thắng lợi công cộng.

Thói quen 4: Tư tưởng Thắng/Thắng

Bạn ở vị trí ảnh hưởng đến người khác, đừng đẩy con người vào chỗ cạnh tranh với nhau; thành công của người này có hại đến người kia. Hãy tạo thói quen của sự thành công trong sự lãnh đạo giữa con người với con người là Thắng/Thắng.

Đó là một triết lý đầy đủ về tác động qua lại của con người. Là một trạng thái của trí tuệ và tình cảm luôn luôn tìm kiếm lợi ích chung cho tất cả mọi người. Nó cũng có nghĩa là mọi thỏa thuận và mọi biện pháp đều đem lại lợi ích chung, làm mọi người thỏa mãn.

Trong phong cách lãnh đạo, mẫu Thắng/Thua là tiếp cận quyền lực. Phần lớn cuộc sống là một thực tế tùy thuộc lẫn nhau. Nghĩa là kết quả là tùy thuộc vào sự hợp tác giữa bạn và người khác, nên mẫu này không thích hợp.

Mẫu Thua/Thắng còn tồi tệ hơn, bởi vì nó không có tiêu chuẩn, không có yêu cầu, không có dự định, không có ước mơ. Người có ý nghĩ Thua/Thắng thường vội vàng làm vừa lòng hoặc nhân nhượng vô nguyên tắc.

Khi hai người có ý nghĩa Thắng/Thua ở cùng nhau, sự kiên quyết, ương bướng tác động qua lại với nhau sẽ đưa đến kết quả thua/thua. Những người này bị phụ thuộc ở mức độ cao, không có định hướng bên trong. Họ khổ sở và nghĩ rằng mọi người cũng phải khổ sở.

Nguyên lý của Thắng/Thắng nó bắt đầu bằng tính cách (tức sự chính trực, sự chín chắn, tâm trạng phong phú), chuyển sang quan hệ (tài khoản ngân hàng tình cảm dồi dào), từ đó xuất phát thỏa thuận (gồm nguyên tắc, nguồn lực, trách nhiệm, kết quả). Nó được nuôi dưỡng trong một môi trường ở đó cấu trúc và các hệ thống đều ủng hộ nó tức dựa trên Thắng/Thắng. Nó cần một quá trình.

Bạn gửi vào tài khoản ngân hàng tình cảm qua sự lịch thiệp chân thành, sự tôn trọng và đánh giá cao quan điểm người khác. Bạn dừng lại lâu hơn trong quá trình giao tiếp. Bạn nghe nghiệt, nghe sâu hơn. Bạn thể hiện bản thân một cách can đảm hơn. Bạn đi sâu hơn vào nội tâm để có sức mạnh của tính cách tích cực. Bạn giữ điều đó cho đến khi người khác bắt đầu nhìn nhận rằng bạn chân thành mong muốn một giải pháp thật sự là thắng lợi cho cả hai.

Thói quen 5: Trước tiên phải tìm hiểu, sau đó làm cho người ta hiểu mình

Bạn không thể tin vào một toa thuốc của bác sỹ trừ khi bạn tin vào sự chẩn đoán của bác sỹ đó.

Bạn không bao giờ có thể thật sự đi sâu vào nội tâm của một người, nếu bạn chưa triển khai sức mạnh của tính cách cá nhân và tài khoản ngân hàng tình cảm cũng như kỹ năng nghe thấu cảm của mình. Khi giao tiếp với ai, bạn có thể gạt sang một bên tự truyện của bạn, và thật sự tìm hiểu.

Bạn phải xây dựng kỹ năng nghe thấu cảm trên cơ sở của tính cách, tạo ra sự cởi mở và lòng tin vào tài khoản ngân hàng tình cảm, tạo ra một quan hệ mậu dịch giữa các con tim.

Chúng ta có thể chăm chú nghe, tập trung chú ý và sức lực vào những lời mình nghe được. Đó là hình thức nghe cao nhất, nghe thấu cảm. Nghe thấu cảm là đi sâu vào các ý kiến của người khác, qua đó bạn phát hiện, bạn nhìn cuộc đời theo cách nhìn của người khác, bạn hiểu mẫu của họ, bạn hiểu họ cảm nghĩ như thế nào.

Thấu cảm không có nghĩa là thông cảm. Thông cảm là một hình thức của thỏa thuận; một hình thức của phê phán. Trong nghe thấu cảm, bạn nghe bằng tai, nhưng quan trọng hơn là bằng mắt, bằng con tim. Bạn cảm nhận được. Bạn trực cảm được, bạn cảm thấy được.

Nghe thấu cảm cũng là mạo hiểm. Phải hy sinh nhiều an toàn để nghe thật sâu sắc, bạn rất cởi mở để chịu sự tác động của người khác, bạn trở thành dễ bị tổn thương. Bởi vì, để phát huy ảnh hưởng của mình, bạn phải chịu ảnh hưởng của người khác.

Nhưng, thói quen 1, 2, 3 là nền tảng, cung cấp cho bạn hạt nhân bên trong không thay đổi. Nhờ đó, bạn có thể đối phó với mọi rủi ro bên ngoài một cách bình tĩnh và mạnh mẽ.

Để người khác hiểu mình, trước hết bạn phải tạo sự tín nhiệm nhờ sự chính trực và khả năng của bạn, đó là niềm tin mà bạn truyền qua người khác. Tiếp đến là sự thấu cảm, nó là cảm xúc, nghĩa là bạn cũng có một sức ép tình cảm như người bạn giao tiếp, và sau cùng là logic, tức mặt lý luận của sự trình bày.

Hãy tạo tâm lý mà họ cần. Bạn hãy bỏ cái kính bạn mang để nhìn thế giới theo quan điểm của người khác, điều đó dẫn đến cả hai cùng đứng về một phía để xem xét vấn đề. Khi chúng ta hiểu nhau thực sự, sâu sắc, chúng ta mở cửa cho những giải pháp sáng tạo và những lựa chọn. Những bất đồng không còn cản trở sự giao tiếp và tiến bộ nữa. Thay vào đó, chúng trở thành cơ sở của hiệp đồng.

Thói quen 6: Hiệp đồng

Hiệp đồng có nghĩa là toàn bộ lớn hơn tổng của từng phần. Một cộng một bằng ba, bốn hoặc nhiều hơn nữa. Nó là mối quan hệ mà các bên đối với nhau là ở trong nhau và của nhau. Hiệp đồng là một hoạt động cao nhất trong cuộc sống, biểu hiện thật sự của tất cả các thói quen khác hợp lại.

Hiệp đồng tạo ra một kịch bản mới hướng tới phục vụ và cống hiến. Phòng ngự ít hơn, ích kỷ ít hơn, ít chiếm hữu, ít phê phán chỉ trích nhau hơn, quan trâm đến nhau hơn. Khi thực hiện giao tiếp hiệp đồng, trong nội tâm bạn cảm thấy hứng khởi, an toàn và mạo hiểm. Bạn tin rằng, sự việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Và đó chính là sự kết thúc của bạn trong tâm trí.

Bản chất của sự hiệp đồng là coi trọng sự bất đồng, tôn trọng chúng, xây dựng dựa vào các điểm mạnh, bổ sung cho các điểm yếu. Cơ sở để coi trọng bất đồng là thừa nhận rằng, người ta nhìn thế giới không phải như bản chất của thế giới mà như bản chất con người. Bạn không đồng ý với tôi tức có cái gì tôi chưa hiểu và tôi cần phải hiểu. Bạn có một góc nhìn, một hệ tham chiếu khác mà tôi cần xem xét.

Trong giao tiếp, có những trường hợp thỏa hiệp, nghĩa là 1+1=1,5. Nó tạo ra Thắng/Thắng ở mức độ thấp. Hiệp đồng có nghĩa là 1+1=8, 16 hoặc 1600. Vì hiệp đồng của tín nhiệm cao tạo ra giải pháp tốt hơn bất kỳ giải pháp nào. Khi tài khoản ngân hàng tình cảm lớn, họ tin vào giải pháp thứ ba, là giải pháp mà hai bên cùng có lợi hơn giải pháp mà mỗi bên đưa ra lúc đầu. Đạo Phật gọi cái này là “Trung đạo”, con đường giữa.

Hiệp đồng là nguyên lý đúng đắn. Đó là thành tựu hoàn hảo. Hầu như khi nào cũng có một giải thứ ba, nếu bạn hành động với triết lý Thắng/Thắng và thật sự tìm hiểu.

Phần thứ tư – Đổi mới

Thói quen 7: Rửa cưa

Các nguyên lý tự đổi mới cân đối

Trong một ngày làm việc mệt mỏi, công việc trở nên càng khó khăn và vất vả hơn đối với người thợ cưa. Để giải quyết vấn đề này, họ cần thực hiện thói quen “rửa cưa”. Điều này chắc chắn sẽ giúp họ thực hiện công việc nhanh chóng hơn.

Thói quen 7 đổi mới tập trung vào bốn khía cạnh cơ bản của con người: vật chất, trí tuệ, tinh thần và mối quan hệ xã hội. Thói quen này làm cho các thói quen khác trở nên có thể thực hiện được.

Về khía cạnh vật chất: Chúng ta cần quan tâm đến việc ăn uống lành mạnh, đảm bảo nghỉ ngơi và thư giãn đủ, cũng như thực hiện các hoạt động thể chất đều đặn. Dù có nhiều người cho rằng không có đủ thời gian để tập luyện thể chất, đó chỉ là một lý do. Chỉ cần dành 30 phút mỗi ngày cho việc luyện tập, bạn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách đi bộ nhanh, chạy, đạp xe, bơi lội hoặc trượt tuyết. Đồng thời, việc tập luyện cơ bắp và sức mạnh cũng rất quan trọng. Hãy bắt đầu từ từ và dần dần nâng cao khả năng của cơ thể.

Về khía cạnh tinh thần: Sự đổi mới trong khía cạnh tinh thần sẽ mang lại nguồn cảm hứng và nâng cao tinh thần. Điều này đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, bao gồm việc tiếp xúc với văn học, âm nhạc, thiên nhiên và những giá trị vĩnh hằng.

Về khía cạnh trí tuệ: Sau khi ra khỏi giảng đường, chúng ta không nên để trí tuệ của mình teo lại. Hãy đọc một cách nghiêm túc và tìm hiểu sâu sắc về các vấn đề ngoài lĩnh vực chuyên môn của bạn. Viết là một cách tốt để rèn luyện ngôn ngữ và suy nghĩ sắc bén.

Về khía cạnh xã hội/tình cảm: Mặc dù không đòi hỏi nhiều thời gian nhưng lại quan trọng trong mối quan hệ xã hội. Việc hiểu biết và chia sẻ trong cộng đồng sẽ mang lại hòa bình tinh thần và sự hài lòng.

Tổ chức và cá nhân hiệu quả đều cần phát triển và đổi mới cả bốn khía cạnh một cách cân đối. Quá trình này sẽ giúp chúng ta tiến bộ và phát triển không ngừng.

Tóm tắt bởi: Trần Phú An

Xem thêm: 11 trang web mua sách online chính hãng tại Việt Nam

Chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy hữu ích!

Tự động hoá quy trình bán hàng & marketing của bạn ngay hôm nay.

Scroll to Top
Zalo ATPSoftware Tư vấn kinh doanh Zalo ATPSoftware
0777.0000.17