“Kỹ năng đi trước đam mê” của Cal Newport là một cuốn sách gây tranh cãi ngay từ khi ra mắt bởi nó đi ngược lại quan niệm phổ biến rằng “hãy theo đuổi đam mê”. Thay vì khuyên bạn đi tìm một công việc phù hợp với đam mê vốn mong manh và khó xác định, tác giả đề cao việc phát triển những kỹ năng có giá trị và nhu cầu cao trên thị trường lao động. Vậy những nội dung chính mà cuốn sách này muốn truyền tải cụ thể là gì, hãy cùng ATP Holdings đọc bài tóm tắt bên dưới đây nhé!
Giới thiệu về sách: Kỹ năng đi trước đam mê
Sách “Kỹ năng đi trước đam mê”: Lời khuyên cho thế hệ trẻ trong thời đại mới
Tác giả: Cal Newport
Xuất bản: 2015
Nhà xuất bản tiếng Việt: NXB Trẻ
Nội dung:
Cuốn sách “Kỹ năng đi trước đam mê” của tác giả Cal Newport đã tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, bởi nó đi ngược lại quan niệm phổ biến rằng “hãy theo đuổi đam mê” mà nhiều người vẫn tin tưởng.
Newport lập luận rằng, thay vì tìm kiếm một công việc phù hợp với đam mê vốn mong manh và khó xác định, bạn nên tập trung phát triển những kỹ năng có giá trị và nhu cầu cao trên thị trường lao động. Khi bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình chọn, bạn sẽ có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và đạt được thành công hơn.
Sách bao gồm 4 quy tắc chính:
1. Đừng theo đuổi đam mê: Thay vì dành thời gian tìm kiếm đam mê, hãy tập trung phát triển kỹ năng có giá trị và nhu cầu cao.
2. Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn: Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình chọn để thu hút sự chú ý và tạo ra cơ hội cho bản thân.
3. Từ chối cơ hội thăng tiến: Đừng vội vàng nắm bắt mọi cơ hội thăng tiến mà hãy tập trung vào những công việc giúp bạn phát triển kỹ năng và chuyên môn.
4. Nghĩ nhỏ, làm lớn: Bắt đầu với những mục tiêu nhỏ và thực tế, sau đó dần dần tiến tới những mục tiêu lớn hơn.
Đánh giá:
“Kỹ năng đi trước đam mê” là một cuốn sách mang tính đột phá, cung cấp cho bạn những lời khuyên thực tế và hiệu quả để xây dựng sự nghiệp thành công trong thời đại mới. Sách phù hợp với những ai đang cảm thấy迷茫 về tương lai, muốn định hướng nghề nghiệp và phát triển bản thân một cách hiệu quả.
Tóm tắt nội dung sách “Kỹ năng đi trước đam mê”
KỸ NĂNG ĐI TRƯỚC ĐAM MÊ – Cuốn sách đã giúp tôi định hướng cuộc đời
Mình vẫn luôn tự hỏi tại sao vẫn luôn có những người yêu thích công việc họ đang làm, trong khi 1 số lại không? Và liệu rằng có công thức chung nào để tất cả mọi người đều tìm thấy một công việc tuyệt vời trong cuộc đời họ. Những trăn trở đó đã dẫn mình đến với cuốn sách “Kỹ năng đi trước đam mê”. Những bài học mà tác giả Cal Newport đưa ra đã cho mình một cái nhìn hoàn toàn mới về một sự nghiệp đáng mơ ước.
Bài học 1: Đừng theo đuổi đam mê của bạn
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đâu đó có người nói rằng: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.”
Mình không phủ nhận, đam mê là chất xúc tác của thành công, tuy nhiên bắt đầu từ đam mê đó là một sự lựa chọn sai lầm. Bạn đâu thể ngồi một chỗ nhìn ra cửa sổ mà nói rằng tôi đam mê việc A, tôi đam mê việc B. Bạn có biết Steve Jobs không? Nếu Steve jobs khởi đầu từ đam mê thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ được nhìn thấy CEO của thương hiệu trái táo cắn dở Apple và chỉ nhìn thấy hình ảnh của một thầy tu. Mình đã từng lầm tưởng mà đồng nhất giữa sở thích và đam mê. Nhưng hóa ra sở thích chỉ là thứ bạn muốn làm. Trải nghiệm cuộc sống sẽ làm bạn yêu thích nhiều điều khác nữa và cũng khiến bạn bỏ đi sở thích với nhiều thứ.
Sở thích là vậy, nó có thể thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi. Còn đam mê nó không dừng lại ở việc bạn muốn làm nữa, nó là thứ ám ảnh trong tiềm thức của bạn, bạn sẽ thực hiện nó với bất kể giá nào và theo bạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đam mê là thứ bạn nhất định phải tìm ra nhưng nó không phải là thứ bạn muốn tìm sẽ thấy. Và khởi đầu cuộc đời bằng việc đi tìm đam mê thực sự là một sai lầm.
Mark Zukerberg không bắt đầu cuộc đời anh bằng việc kiếm tìm đam mê, công việc đầu tiên mà anh làm là tạo ra facebook với mục đích kết nối sinh viên Harvard. Và khi ấy anh mới nhận ra đam mê của mình. Rất nhiều người đã sử dụng hai chữ “đam mê” để biện hộ cho hành động mạo hiểm đến mù quáng của mình, mà không hiểu rằng đam mê chỉ là hiệu ứng phụ của sự tinh thông.
Bài học 2: Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn
Một câu hỏi đặt ra: Nếu bắt đầu từ đam mê là một lựa chọn sai lầm thì đâu mới là con đường đúng đắn để ta khởi đầu? Câu trả lời được tác giả gói gọn trong 4 từ “vốn liếng sự nghiệp”. Có một quy luật cung cầu rất cơ bản trong cụm từ ấy rằng: “Nếu bạn muốn sở hữu một công việc hiếm hoi và quý giá thì hãy đổi lại bằng những kỹ năng cũng hiếm hoi và quý giá như vậy”. Những người theo đuổi thuyết vốn liếng sự nghiệp, họ chẳng mất thời gian để xét xem liệu công việc ấy có phù hợp với họ hay là không, họ sẽ giành thời gian ấy để nỗ lực trở nên thật tài giỏi. Vì có một sự thật, khi bạn bắt đầu có một thành công nhỏ trong sự nghiệp của mình, khái niệm “đam mê” bắt đầu xuất hiện. Khi đó đam mê lại nhân bội thành công và thành công lại tiếp tục tạo ra đam mê. Nó trở thành một chu trình khép kín. Khi ấy câu nói “Hãy theo đuổi đam mê thành công sẽ theo đuổi bạn” mới thực sự đúng. Và bài học giúp mình nhận ra muốn tìm thấy đam mê thì phải biến mình trở nên thật tài giỏi trước đã.
Nhưng để trở nên giỏi hơn, thì phương pháp rèn luyện cũng là điều quan trọng. Nếu từng đọc qua “Những kẻ xuất chúng” của Malcom Gladwell bạn sẽ được tiếp cận tới thuyết “10.000 giờ” – khoảng thời gian để bạn tinh thông bất cứ kỹ năng gì. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ, cần bổ sung thêm “luyện tập có chủ đích”. Phương pháp ấy cũng là một chu trình khép kín: không ngừng vượt qua giới hạn của bản thân – nhận phản hồi – Tập trung rèn luyện.
Bài học 3: Từ chối cơ hội thăng tiến (tầm quan trọng của kiểm soát)
Tác giả nhận định rằng sự kiểm soát trong công việc sẽ nâng cao sự hạnh phúc, hứng thú và cảm giác mãn nguyện. Tuy nhiên tất cả mọi người đều rất dễ mắc phải 2 cạm bẫy của kiểm soát:
Cạm bẫy thứ nhất: Mong muốn kiểm soát nhưng chưa có vốn liếng sự nghiệp
Cạm bẫy thứ hai: Đủ vốn liếng sự nghiệp nhưng không đủ can đảm để kiểm soát cuộc sống.
Để thoát ra khỏi 2 cạm bẫy ấy bạn có thể dùng quy luật khả thi tài chính. Quy luật nói rằng: khi quyết định liệu có nên theo đuổi một con đường hấp dẫn mang lại nhiều sự kiểm soát hơn trong công việc của bạn, hãy tìm kiếm những bằng chứng cho thấy mọi người sẵn sàng trả tiền cho bạn để thực hiện nó. Nếu bạn tìm thấy thì hãy tiếp tục, còn nếu không hãy bỏ qua nó.
Quy luật khả thi tài chính đã giúp mình giải thích tại sao vẫn luôn có những người thành công khi họ từ bỏ công việc cũ – dù đó là công việc nhiều người mơ, để chuyển sang một công việc mới. Quy luật cũng giúp mình giải thích tại sao có vô số những cá nhân cũng làm như vậy lại không thành công.
Và lẽ dĩ nhiên muốn người khác sẵn sàng trả tiền cho bạn, bạn phải đổi lại bằng vốn liếng sự nghiệp của minh.
Bài học 4: Nghĩ nhỏ, làm lớn.
Bài học chỉ ra rằng, khi đã đạt tới sự tinh thông trong lĩnh vực của mình, kết hợp với những ý tưởng tuyệt vời, bạn sẽ tìm ra được sứ mệnh của cuộc đời bạn. Tuy nhiên để thực hiện nó bạn cần có những cuộc đánh cược nhỏ.
Đây là những dự án thử nghiệm nhằm mục đích tạo ra những thông tin phản hồi. Dù tốt hay xấu thì những phản hồi ấy cũng sẽ góp phần rất lớn vào việc hoàn thiện hóa những bước đi của bạn. Để tạo ra được sứ mệnh thành công thì dự án của bạn cần phải tạo ra được dấu ấn. Nó phải đủ ấn tượng để thúc đẩy mọi người nói về dự án của bạn, sẵn sàng lan truyền giúp bạn.
Bài học giúp mình nhận ra “sứ mệnh cuộc đời” là cái đích cuối cùng của một công việc đáng mơ ước. Đây là lý do giải thích tại sao rất nhiều người thành công có thể làm việc hàng ngày, hàng giờ mà không hề than vãn. Họ vẫn sẽ làm nó dù hoàn cảnh có ra sao. Và mình gọi đó là “đam mê”.
Những bài học ấy với mình thực sự đắt giá. Bản thân mình đã bước chân vào lứa tuổi đôi mươi – lứa tuổi được coi là hành trang quyết định cuộc đời. Và giờ đây mình không còn băn khoăn liệu rằng ngôi trường mình đã chọn kia liệu đã phù hợp với bản thân hay là không. Vì mình biết rằng mỗi con đường khác nhau sẽ đưa bạn tới những thành công khác nhau. Điều mình vẫn đang làm từng ngày là rèn luyện kỹ năng mình thích và biến nó trở nên thật hiếm hoi. Điều mình cố gắng thực hiện lúc này khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học là làm sao nâng cao được năng lực của mình, để những gì mình tạo ra là kết tinh của nhiệt huyết và chất xám, nếu không có chất xám thì nhiệt huyết chỉ tạo ra những gánh nặng. Mình sẽ không cần phải mòn mỏi đi tìm xem đâu là thứ mình đam mê. Vì mình biết rằng khi đạt tới mức tinh thông trong lĩnh vực của mình đam mê tự nó sẽ xuất hiện.
Quyển sách đã ám ảnh trong tiềm thức của mình một câu nói: “Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn”. Và đây thực sự là con đường mình đã chọn để đi.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của mình!
Người tóm tắt: Hoàng Long
Từ Group Người đọc sách
https://www.facebook.com/groups/625230697658922
Hy vọng rằng qua bài tóm tắt sách “Kỹ năng đi trước đam mê” này, bạn sẽ hiểu được những giá trị chính mà cuốn sách này muốn truyền tải. Nếu thấy hay, bạn đừng quên mua sách giấy về đọc để ủng hộ tác giá nhé!