Tìm kiếm
Close this search box.

Tóm tắt sách “Những kẻ xuất chúng”

Bản sao của Tóm tắt sách - templates (26)
Đánh giá bài viết

Giới thiệu về sách

Cuốn sách “Những Kẻ Xuất Chúng” là một bộ sưu tập các câu chuyện về những cá nhân nổi tiếng và thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tác giả không chỉ tập trung vào thành tựu của họ mà còn khám phá những bí mật và chiến lược mà họ đã áp dụng để đạt được thành công. Với phong cách viết sống động và hấp dẫn, cuốn sách hứa hẹn mang đến cho độc giả những bài học quý giá và đầy cảm hứng, giúp họ theo đuổi ước mơ và đạt được thành công trong cuộc sống.

Thông tin về sách:

  • Tác phẩm: Những kẻ xuất chúng
  • Tác giả: Malcolm T. Gladwell
  • Người dịch: Diệu Ngọc
  • Nhà xuất bản Thế giới 2009
  • Sách gồm: 360 trang

Về tác giả:

Malcolm T. Gladwell, một nhà báo, diễn giả, và tác giả người Canada, hiện đang làm việc như một phóng viên cho tờ báo The New Yorker. Tất cả năm cuốn sách mà ông đã viết – trong đó có hai cuốn nổi tiếng là “Điểm Bùng Phát” và “Trong Chớp Mắt” – đều được liệt kê trong danh sách “sách bán chạy”.

Tóm tắt sách “Những kẻ xuất chúng”

Cuốn sách “Outliers: Câu chuyện về Sự thành công” mang lại cho chúng ta cái nhìn mới mẻ và toàn diện hơn về những nguyên nhân góp phần vào thành công của những người nổi bật. Những yếu tố thông thường mà chúng ta biết: chỉ số thông minh, tài năng, sự quyết tâm… chỉ giải thích được 50% của sự thành công của họ. 50% còn lại nằm ở những yếu tố khác hoàn toàn, tưởng như không liên quan như: hoàn cảnh gia đình, giáo dục từ gia đình và trường học, môi trường sống, điều kiện sống, di sản và truyền thống gia đình, cơ hội mà họ gặp phải, và đặc biệt là số giờ làm việc, thời gian luyện tập cho chuyên môn của họ.

“Tài năng bị lãng phí và Hiệu ứng Matthew” giúp củng cố và phát triển những tài năng may mắn.

Khi xem xét danh sách các thành viên trong đội bóng khúc côn cầu Meducune Hat – một đội chơi ở giải Major Junior A của Canada – chúng ta thấy rằng có tới 17 trong số 25 cầu thủ trẻ được sinh từ tháng 1 đến tháng 4. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra với những cầu thủ sinh vào các tháng khác? Lý do cho hiện tượng này là rất đơn giản. Ở Canada, ngày chọn tuyển cho đội bóng khúc côn cầu theo độ tuổi là ngày 1 tháng 1 hàng năm. Các em nhỏ ở các tháng 1, 2, 3 sẽ được chọn dự tuyển cùng với các em sinh vào tháng 10, 11, 12. Khi vào tuổi thiếu niên, sự chênh lệch về tháng tuổi có thể tạo ra sự khác biệt lớn về mặt thể chất. Vì vậy, các em sinh vào các tháng 1, 2, 3 – lớn hơn, biết cách phối hợp hơn – thường được chọn sau những cuộc tuyển chọn này. Và khi đã được chọn, những cầu thủ trẻ này được huấn luyện tốt hơn, có đồng đội tốt hơn, tham gia nhiều giải đấu và gặp nhiều trải nghiệm hơn so với các em không được chọn. Vì vậy, khi đến tuổi dự thi vào giải Major Junior A, khoảng cách về kỹ năng giữa các cầu thủ này và những cầu thủ sinh vào các tháng cuối năm (tháng 5 – 12) càng lớn hơn. Điều này giải thích tại sao có nhiều cầu thủ trẻ sinh từ tháng 1 – 4 trong các đội tuyển Major Junior A của Canada. Rõ ràng, những tài năng nhí sinh vào tháng 1 – 4 đã có nhiều cơ hội hơn – được chọn và phát triển – so với các bạn sinh cùng năm nhưng vào các tháng khác. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra trong môn bóng chày ở Mỹ, khi việc chọn lựa diễn ra vào cuối tháng 7, số lượng tuyển thủ tài năng sinh vào tháng 8 nhiều hơn so với các tháng khác. Trong môn bóng đá ở Anh, vì ngày chọn lựa là ngày 1 tháng 9, số lượng tuyển thủ sinh từ tháng 9 đến tháng 11 chiếm đa số.

Hai nhà kinh tế – Kelly Bedard và Elizabeth Dhuey – đã nghiên cứu mối quan hệ giữa tháng sinh và điểm số môn Toán của học sinh dựa trên dữ liệu của TIMSS, chương trình kiểm tra được tổ chức mỗi 4 năm một lần tại nhiều quốc gia trên thế giới. Họ nhận thấy rằng ở các em học sinh lớp 4, những em sinh vào tháng tuổi lớn hơn có điểm số cao hơn khoảng 4 – 12% so với những em nhỏ tuổi hơn. Hai em với trí thông minh hoàn toàn giống nhau, một em sinh gần ngày chọn nhất có thể đạt 89%, trong khi một em sinh xa ngày chọn nhất chỉ có thể đạt 68%. Sự khác biệt đáng kể này đủ để loại các em nhỏ tuổi ra khỏi các chương trình phát triển tài năng.

Trong những ví dụ trên, sự lựa chọn “thiên vị” – dù là khách quan – đã dẫn đến sai biệt trong việc lựa chọn tài năng. Những tài năng may mắn được chọn lựa có nhiều điều kiện tốt hơn để trở thành những người xuất sắc hơn. Nhà xã hội học Robert Merton đã gọi hiện tượng này là Hiệu ứng Matthew, dựa trên câu trích dẫn trong Kinh Thánh: “Phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm và sẽ dư thừa; còn ai không có, thì sẽ bị lấy đi”. Những người thành công sẽ có nhiều cơ hội hơn để thành công hơn, người giàu có sẽ được giảm thuế nhiều hơn, và những sinh viên giỏi nhất sẽ được chú ý và dạy dỗ tốt nhất. Trong các ví dụ này, những tài năng đã được chọn lựa được dạy dỗ, rèn luyện và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để trở thành những người xuất sắc hơn. Những tài năng không được chọn lựa thì ngày càng bị lãng phí. Do đó, những tổ chức tìm kiếm tài năng và những nhà hoạch định tương lai cần phát triển các phương pháp lựa chọn khoa học và công bằng, giảm thiểu tối đa những lựa chọn thiên vị khách quan, để tránh lãng phí tài năng.

Quy tắc 10.000 giờ – Không thể nổi bật nếu không có đủ 10.000 giờ làm việc

Vào đầu những năm 1990, nhà tâm lý học K. Anders Ericsson và hai đồng nghiệp tại Học viện Âm nhạc Berlin đã tiến hành một nghiên cứu về tài năng của sinh viên chơi violin tại học viện. Họ chia các sinh viên thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất bao gồm những sinh viên có tiềm năng trở thành nghệ sĩ solo đỉnh cao thế giới; Nhóm thứ hai là những sinh viên được đánh giá tốt; Nhóm thứ ba là những người chơi không tốt và có ý định trở thành giáo viên âm nhạc trong hệ thống trường công. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự khác biệt đáng kể giữa 3 nhóm này, đó là số giờ họ dành cho việc luyện tập. Các sinh viên trong nhóm đầu tiên trung bình đã luyện tập 10.000 giờ, nhóm thứ hai là 8.000 giờ, và nhóm thứ ba là 4.000 giờ. Ông Ericsson và đồng nghiệp cũng đạt được kết quả tương tự đối với các nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp.

Để nhập học vào một trường âm nhạc hàng đầu, tất cả các nghệ sĩ tiềm năng phải đạt được một mức độ tài năng nhất định, và để đạt được thành công vượt trội, tức là trở thành nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, họ phải dành ít nhất 10.000 giờ luyện tập. Nếu không có đủ 10.000 giờ luyện tập, thì ngay cả khi nghệ sĩ đó có tài năng đến đâu, họ cũng không thể trở thành một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp. Nhiều nghiên cứu khác nhau về những người xuất chúng trong các lĩnh vực khác nhau: như làm nhạc, bóng rổ, viết tiểu thuyết, trượt băng, cờ vua, và thậm chí là tội phạm có tiếng… đã cho kết quả tương tự về con số 10.000 giờ luyện tập. Để một cá nhân đạt được trình độ chuyên môn và có khả năng trở thành một chuyên gia hàng đầu thế giới trong bất kỳ lĩnh vực nào, họ cần phải làm việc ít nhất là 10.000 giờ.

Bill Joy – được so sánh như Edison của Internet – là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử ngành công nghệ thông tin hiện đại. Ông là người sáng lập công ty Sun Microsystems và là người phát triển lại phần mềm Unix, và Java. Trước khi nổi tiếng, Bill Joy đã có cơ hội rèn luyện kỹ năng lập trình tại trường Đại học Michigan và sau đó là Đại học Berkeley. Nhờ học tại trường Michigan có hệ thống máy tính hiện đại vào năm 1971, cũng như phát hiện ra lỗi tính tiền của hệ thống này, Bill Joy – người sinh viên giỏi toán – đã có cơ hội lập trình ngày đêm. Ông ước lượng tổng số giờ ông đã dành cho lập trình khoảng 10.000 giờ.

Ban nhạc Beatles của Anh – một trong những ban nhạc rock nổi tiếng nhất thế giới – nhờ vào cơ hội được biểu diễn tại Humburg, Đức nơi các ban nhạc được yêu cầu biểu diễn nhiều giờ liền nên họ có cơ hội luyện tập và biểu diễn nhiều giờ. Trước khi thực sự nổi tiếng vào năm 1964, Beatles đã biểu diễn 1.200 lần, mỗi đêm từ 5 đến 6 giờ. Số giờ biểu diễn này lớn hơn nhiều so với các ban nhạc khác, và đã giúp cho Beatles trở thành một trong những ban nhạc được yêu chuộng nhất trên thế giới.

Nhiều câu chuyện về sự thành công của Bill Gates đã được kể lại, nhưng không phải ai cũng biết rằng một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Bill Gates và Microsoft là Bill Gates cũng đã trải qua 10.000 giờ luyện tập lập trình trước khi thành lập công ty phần mềm Microsoft. Nhờ vào điều kiện gia đình, và nhờ vào cơ hội tình cờ, Bill Gates đã được tiếp xúc với việc lập trình trên máy tính trong 5 năm liên tiếp – từ lớp 8 cho đến lớp cuối trung học. Và cho đến khi Bill Gates bỏ học Đại học Harvard để thành lập công ty phần mềm của mình, ông đã có hơn 10.000 giờ lập trình. Bill Gates đã công nhận rằng đó là một cơ hội to lớn, và ông tin rằng chỉ có khoảng 50 thanh thiếu niên trên thế giới đã có được 10.000 giờ lập trình khi còn trẻ.

Dù có giỏi, tài năng đến đâu, không ai có thể đạt được sự thành công rực rỡ, đặc biệt là sự xuất chúng, mà không trải qua 10.000 giờ tập luyện. Con đường mà tất cả những người muốn thành công phải đi là con đường của 10.000 giờ tập luyện, không thể ngắn hơn. Những người xuất chúng đã dành 10.000 giờ tập luyện, không chỉ nhờ vào đam mê to lớn và sự làm việc chăm chỉ của họ mà còn nhờ vào những cơ hội đặc biệt. Nếu không có cơ hội được mời biểu diễn tại Hamburg, ban nhạc Beatles có lẽ không bao giờ có cơ hội tập luyện nhiều và trở thành một ban nhạc thành công. Bill Gates cũng công nhận rằng mình đã có một cơ hội đặc biệt khi được chuyển đến học tại trường tư Lakeside, nơi hiếm khi có câu lạc bộ máy tính và lúc đó. Nhờ vào đó, Bill Gates, một học sinh lớp 8, đã có cơ hội làm việc với máy tính nhiều hơn cho đam mê lập trình của mình.

Thời kỳ tạo ra anh hùng – Vận may của những người xuất chúng

Trong danh sách 75 người giàu nhất trong hàng ngàn năm lịch sử nhân loại – bắt đầu từ John D. Rockefeller với khoản tài sản ước tính hiện nay lên đến 318,3 tỷ đô la Mỹ, Bill Gates ở vị trí thứ 37 với 58 tỷ; Warren Buffett ở vị trí thứ 41 với 52,4 tỷ; Thái tử Al-Waleed bin Tabal ở vị trí thứ 75 với 29,5 tỷ đô la Mỹ – có đến 45 người Mỹ, đặc biệt là có 14 người Mỹ sinh ra trong khoảng thời gian 9 năm từ 1831 đến 1840. Tại sao lại như vậy? Vào những năm 1860 và 1870, nền kinh tế Mỹ đã trải qua một cuộc cách mạng lớn trong lịch sử. Trong khoảng thời gian này, hệ thống đường sắt được xây dựng, phố Wall – trung tâm tài chính – trở nên sôi động, ngành công nghiệp sản xuất phát triển mạnh mẽ, các quy luật cũ của nền kinh tế bị phá vỡ và được tái tạo. Những người sinh ra vào cuối thập niên 1840 thì quá trẻ để nắm bắt cơ hội này.

Những người sinh ra vào những năm 1840 thì tâm trí đã “già” do bị ảnh hưởng bởi tình hình của nước Mỹ trong thời kỳ tiền Nội chiến. Cơ hội quý báu này phù hợp với những người sinh ra trong khoảng thời gian 1831 – 1840. Trong 9 năm đó, hàng triệu người được sinh ra, nhưng chỉ có những người tài năng và có tầm nhìn tốt mới có thể khai thác cơ hội hiếm có này. Năm 1975, tạp chí Popular Electronics thông báo ra đời của máy tính cá nhân – sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử công nghệ thông tin thế giới. Thế hệ nào sẽ được hưởng lợi từ cơ hội lớn này? Đó không phải là những người tài năng ở độ tuổi 30, 40. Họ đã ổn định với vị trí hiện tại của mình, và tâm trí của họ không còn mở cho sự sáng tạo công nghệ mới. Những người tài năng ở độ tuổi trung học cũng không thể làm điều gì lớn lao ở độ tuổi này. Độ tuổi thích hợp nhất để nắm bắt cơ hội công nghệ thông tin này là những người sinh ra vào năm 1975. Đó là Bill Gates – 1955, Paul Allen – 1953, Steve Ballmer – 1956 của Microsoft, Steve Jobs – 1955 của Apple, Eric Schmidt – 1955 của Novel và Google, Bill Joy – 1954 của Sun Microsystems…

Joseph Flom – người Mỹ gốc Do Thái – đã được trường Harvard chấp nhận vào ngành luật nhờ một bức thư thuyết phục. Tư duy luật xuất sắc, học giỏi nhất trường nhưng ông không thể tìm được việc làm ở các công ty luật danh tiếng ở phố Wall, bao gồm cả những luật sư đại diện cho các tập đoàn lớn và uy tín. Vì vậy ông đã thành lập công ty luật Skadden. Trong nhiều năm, Joseph Flom và công ty luật Skadden của ông – một công ty do người Mỹ gốc Do Thái sở hữu – không được công nhận bởi thế giới của các hãng luật danh tiếng ở phố Wall. Những vụ kiện và tranh chấp ủy quyền mà công ty ông nhận vào những năm 1950 – 1960 không được các hãng luật danh tiếng ở phố Wall chấp nhận. Nhưng đến năm 1970, các thương vụ sáp nhập trở nên phổ biến hơn và nhu cầu pháp lý cho các thương vụ này trở thành một lĩnh vực quý báu. Lúc này, các hãng luật danh tiếng ở phố Wall mới bắt đầu tham gia, nhưng Joseph Flom và công ty luật Skadden của ông đã đi quá xa. Kinh nghiệm tích lũy càng lớn, công ty Skadden của Joseph Flom càng có nhiều cơ hội nhận thêm vụ kiện. Họ đã thành công rực rỡ và trở thành hãng luật danh tiếng nhất thế giới. Những thách thức ban đầu đã biến thành cơ hội lớn cho Joseph Flom và công ty luật do người Mỹ gốc Do Thái của ông. Quan trọng là Joseph Flom đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội và từ đó biến mình từ một người bình thường thành một người xuất chúng.

Trí thông minh phân tích (IQ) chỉ là điều kiện cần

Trí thông minh phân tích (IQ) chỉ là điều kiện cần. Nhưng để thành công, cần phải có cả trí thông minh thực tiễn và sự hướng dẫn giáo dục từ gia đình.

Các nhà khoa học đã phát hiện mối liên hệ giữa chỉ số IQ và thành công. Những người có IQ cao thường có cơ hội thành công cao hơn. Nhưng điều này chỉ áp dụng đến mức IQ 120. Vượt qua ngưỡng này, việc có IQ cao hơn không đảm bảo sẽ mang lại lợi thế. Một người với IQ 130 có thể đạt giải Nobel như một người có IQ 180. Điều quan trọng là, trí thông minh cao mà thiếu những điều kiện “đủ” không chắc chắn sẽ dẫn đến thành công.

Ví dụ, vào năm 2008, Chris Langan được biết đến là người có chỉ số IQ cao nhất ở Mỹ, với 195. Anh vượt qua bài kiểm tra IQ cho người thông minh nhất với chỉ một câu sai. Trong chương trình truyền hình “Đấu trường 100”, anh đã thách đấu với 100 người khác. Tuy nhiên, ngoài việc tham gia chương trình và kiếm tiền, Chris Langan không đạt được thành công lớn trong cuộc sống.

Nguyên nhân của điều này có thể nằm ở gia đình và môi trường anh lớn lên. Anh không được dạy dỗ theo cách thông thường và không có cơ hội phát triển những kỹ năng thực tiễn. Trí thông minh cao không thể thay thế cho khả năng giao tiếp, thuyết phục và làm việc nhóm.

So sánh với Chris Langan, Robert Oppenheimer – người đóng vai trò quan trọng trong việc phát minh bom nguyên tử cho Mỹ trong Thế chiến II – có một câu chuyện khác. Ông được sinh ra trong một gia đình giàu có và nhận được sự hướng dẫn giáo dục từ gia đình. Nhờ vậy, ông không chỉ có IQ cao mà còn sở hữu trí thông minh thực tiễn, giúp ông vượt qua những thách thức trong cuộc sống và đạt được thành công rực rỡ.

Vậy cuối cùng, điều gì tạo nên những người xuất chúng?

Đó là vận may. Đối với những đứa trẻ có tài năng, vận may có thể là việc sinh ra vào những tháng đầu năm. Với 14 tỷ phú Mỹ, vận may là việc sinh ra trong khoảng thời gian từ 1831 đến 1840. Đối với Bill Gates, vận may là sinh ra trong giai đoạn từ 1955 đến 1975 và được học tại trường Lakeside. Với ban nhạc Beatles, vận may là được mời biểu diễn tại Hamburg. Với luật sư Joseph Flom, vận may đến từ làn sóng thôn tính sáp nhập doanh nghiệp.

Nơi xuất thân cũng quan trọng. Cầu thủ tài năng, Bill Gates, Robert Oppenheimer – tất cả đều sinh ra trong gia đình giàu có và được hưởng một giáo dục tốt, phát triển trong một môi trường thuận lợi.

Kỹ năng giao tiếp và kiến thức khác cũng đóng vai trò quan trọng. Những người xuất chúng thường được trang bị những kỹ năng này từ gia đình và giáo dục có định hướng.

Nhưng không thể quên việc làm việc ít nhất 10.000 giờ. Đó là số giờ mà những người xuất chúng dành cho việc luyện tập và làm việc cho nghề nghiệp của mình.

Lời kết

Sau khi tóm tắt xong cuốn sách “Những Kẻ Xuất Chúng”, chúng ta có thể rút ra một số kết luận quan trọng. Cuốn sách đã chỉ ra rằng sự xuất chúng không chỉ đến từ một yếu tố duy nhất, mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

Đầu tiên, vận may đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sự thành công của mỗi người. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị và khao khát thành công, vận may một mình không đủ để tạo nên một người xuất chúng.

Thứ hai, nơi xuất thân và môi trường gia đình cũng có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc phát triển của cá nhân. Những người sinh ra trong gia đình giàu có và có điều kiện thường có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn lực hơn, giúp họ phát triển tốt hơn trong sự nghiệp và cuộc sống.

Cuối cùng, việc luyện tập và làm việc chăm chỉ không thể phủ nhận vai trò quan trọng trong việc trở thành một người xuất chúng. Số giờ luyện tập và công việc hăng say là yếu tố quyết định giúp hình thành và phát triển tài năng của mỗi người.

Tóm lại, để trở thành một người xuất chúng, cần có sự kết hợp hài hòa giữa vận may, nơi xuất thân, và sự cố gắng không ngừng nghỉ. Cuốn sách đã cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những yếu tố quyết định đằng sau sự thành công của những người nổi bật trong xã hội.

Người tóm tắt: Lâm Minh Chánh
www.nhuongquyenvietnam.com

Xem thêm: Tóm tắt sách “Những câu chuyện tâm linh”

Chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy hữu ích!

Tự động hoá quy trình bán hàng & marketing của bạn ngay hôm nay.

0 0 phiếu bầu
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Được vote nhiều
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Scroll to Top
Zalo ATPSoftware Tư vấn kinh doanh Zalo ATPSoftware
0777.0000.17