Những nội dung được tạo ra bởi AI trong năm 2024 đã không còn quá xa lạ nữa, khi mà AI đã phát triển một cách nhanh đến mức chóng mặt. Những hình ảnh, video được tạo bởi AI rất dễ để nhận ra, vì vậy trong bài viết này mình chỉ đề cập đến nội dung văn bản.
Ở trên thị trường hiện tại có rất nhiều công cụ phát hiện nội dung do AI viết, nhưng chúng có thực sự hoạt động chính xác không? Và ngoài sử dụng những công cụ đó, có cách nào phát hiện nội dung do AI viết chuẩn nhất không? Tất cả sẽ được mình tiết lộ ở bài viết này, điều này chắc chắn chưa từng có ai chia sẻ với bạn trên internet đâu nhé.
Phát hiện nội dung AI là gì?
Phát hiện nội dung AI là một quá trình xác định xem một nội dung nào đó được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) hay do con người viết.
Ngày nay, các bài viết, hình ảnh và video do AI tạo ra đang trở thành một xu hướng phổ biến trên Internet. Các công cụ AI tạo sinh đang được ứng dụng rộng rãi để thúc đẩy quá trình sáng tạo nội dung.
Mặc dù AI có thể đẩy nhanh việc tạo ra các nội dung, nhưng nó vẫn không chất lượng nếu tư duy của người dùng không đủ giỏi. Phát hiện nội dung do AI tạo ra là một việc quan trọng giúp chúng ta kiểm soát chất lượng của các nội dung số trong thời đại này.
Tại sao bạn cần phát hiện nội dung viết bằng AI?
Bạn có biết việc xác định nội dung do AI tạo ra rất quan trọng không? Có một số lý do chính khiến điều này trở nên cần thiết.
Đầu tiên, trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và tài chính, chúng ta cần sự chính xác và trải nghiệm thực tế do con người viết. Thông tin trong những lĩnh vực này phải cực kỳ chính xác nếu không sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực học thuật, việc phát hiện nội dung AI giúp duy trì các tiêu chuẩn về tính nguyên bản và chất xám. Cụ thể, điều này đảm bảo rằng mọi đóng góp trong học thuật đều thể hiện được các nỗ lực và trí tuệ thực sự của con người. Nó giúp bảo vệ giá trị của bằng cấp – nội dung chuyên môn, nơi mà kiến thức, tư duy phản biện và sự sáng tạo của con người là vô cùng quan trọng.
Hiện nay, các tổ chức học thuật vẫn có các quy định về việc sử dụng nội dung do AI tạo ra. Hầu hết các giảng viên đều khuyến khích việc sử dụng AI để đưa ra ý tưởng nhưng lại không ủng hộ việc sử dụng AI để tạo ra văn bản hoàn toàn.
Việc nhận diện nội dung AI cũng cực kỳ quan trọng trong việc giảm bớt các tin tức giả. Nội dung do AI tạo ra có thể bị lợi dụng để thao túng các câu chuyện, hình ảnh hoặc video trông có vẻ thật nhưng thực chất không phải vậy. AI đã giúp tự động hóa việc phát tán tin giả, thông tin sai lệch về bầu cử, chiến tranh… Theo một vài nghiên cứu, tỷ lệ sử dụng AI để tạo tin giả đã tăng gấp 10 lần trong 2 năm qua.
Nếu như bạn đang thuê người viết content, thì việc kiểm tra nội dung viết bởi AI là một ưu tiên hàng đầu. Bạn trả tiền để mua chất xám – văn phong của họ, chứ không phải trả tiền cho một con robot viết, điều đó bạn có thể tự làm được mà cần gì thuê đúng không? Nhưng nếu người bạn thuê có tư duy giỏi khi sử dụng AI, họ cũng có thể cho ra những bài viết chất lượng cao khi biết cách ứng dụng cả AI lẫn chất xám vào việc viết content.
>>> Top 20+ phần mềm AI viết content tự động, miễn phí
Những công cụ AI Detectors có thể phát hiện nội dung do AI tạo ra không?
Bạn có bao giờ tự hỏi liệu các công cụ AI Detectors có thể phát hiện nội dung do AI tạo ra không? Mình cũng từng thắc mắc như vậy, và sau khi tìm hiểu sâu về nó, mình muốn chia sẻ những sự thật này với bạn.
Các công cụ AI Detectors có khả năng nhận diện văn bản do AI viết, nhưng sự thật là chúng không phải lúc nào cũng chính xác. Đôi khi, chúng có thể nhầm lẫn giữa nội dung do con người viết với nội dung do AI tạo ra. Điều này là do các công cụ này sử dụng thuật toán của riêng họ để phân tích phong cách, ngữ pháp và giọng điệu của văn bản để xác định.
Các công cụ này được đào tạo để tìm ra cách hoạt động của những mô hình ngôn ngữ và cấu trúc thường được sử dụng bởi các AI content? Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo. Những công cụ này vẫn thường xuyên nhầm nội dung do con người và AI viết.
Một số lý do khiến các công cụ này hoạt động không chính xác:
- Một số văn phong của một số người đôi khi vô tình giống cách mà AI viết.
- Các công cụ viết AI thường lặp đi lặp lại ngôn ngữ. Nếu bạn cũng mắc những lỗi tương tự, văn bản của bạn có thể bị nhầm là do AI viết.
- Nếu bạn sử dụng cách ngữ pháp quá chuẩn mực, công cụ phát hiện AI có thể nghĩ đó là dấu hiệu của văn bản do AI tạo ra.
- Hoặc đôi khi bạn viết quá đúng chính tả, thiếu cảm xúc, bạn cũng có thể bị nghi ngờ là AI.
và điều quan trọng hơn nữa là khi các công cụ AI content ngày càng phát triển, thì các công cụ AI detector cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phân biệt giữa nội dung do con người viết và nội dung do AI tạo ra. Ngay cả OpenAI cũng thừa nhận rằng việc phát triển một công cụ AI detector hiệu quả là điều rất khó, và họ cũng đã tạm dừng cung cấp công cụ này.
Ngay cả OpenAI – cha đẻ của chatGPT mà còn không làm được, thì bạn nghĩ các công ty khác có thể làm tốt hơn không?
Vì vậy, đừng chỉ dựa vào các công cụ AI Detector nhé. Chỉ nên tham khảo cho vui thôi, còn muốn chắc chắn hơn thì hãy xem các mẹo mình gợi ý bên dưới.
10 cách phát hiện nội dung do AI viết chuẩn xác nhất
Khi nói đến việc phát hiện nội dung do AI viết, mình khuyên bạn nên kết hợp giữa việc kiểm tra thủ công và sử dụng các công cụ phát hiện AI, dù là miễn phí hay trả phí. Cách tiếp cận này sẽ giúp bạn có cơ hội tốt nhất để nhận ra những bài viết được tạo ra bởi AI.
Dưới đây là một số cách để phát hiện nội dung do AI tạo ra.
1. Giải thích chung chung không có chi tiết
Khi bạn đọc nội dung do AI viết, bạn sẽ thấy nó thường thiếu các chi tiết cụ thể và ví dụ. AI hay đưa ra các mô tả mơ hồ mà không có những lời khuyên hữu ích từ kinh nghiệm thực tế. Ngược lại, một người viết sẽ thêm các chi tiết liên quan và lời khuyên, đặc biệt nếu họ đã có kinh nghiệm trực tiếp về chủ đề này.
AI thường sử dụng nhiều từ thừa thải không mang lại giá trị. Điều này khiến văn bản có vẻ dài hơn, nhưng thực chất không có ý nghĩa gì cả.
2. Viết lặp đi lặp lại
Nội dung do AI viết thường có đặc điểm là các cụm từ và ý tưởng bị lặp đi lặp lại. Các mô hình AI không thể nhận ra điều đó và tránh sự trùng lặp như con người. Để phát hiện ra, bạn hãy tìm những cụm từ được lặp lại nhiều lần, tất nhiên không phải là danh từ nào đó bắt buộc phải lặp lại.
OpenAI cũng thừa nhận rằng các mô hình ngôn ngữ GPT của họ có xu hướng dài dòng và lạm dụng một số cụm từ nhất định.
Ví dụ, chúng có thể liên tục nhắc lại rằng “ChatGPT là mô hình ngôn ngữ được đào tạo bởi OpenAI”.
3. Cấu trúc câu luôn tuân theo công thức
Một cách tốt để xác định nội dung do AI tạo ra là sự thiếu đa dạng trong cấu trúc câu.
Nếu là một bài content do con người viết, cấu trúc của các câu trong bài sẽ rất đa dạng và không theo một công thức chung nào. Các câu trong bài lúc dài lúc ngắn, đôi khi còn không có chủ ngữ vị ngữ. Điều đó khiến cảm xúc của bài viết sinh động hơn, không gây cảm giác đơn điệu.
Ngược lại, nếu là do AI viết, nó sẽ luôn theo một cấu trúc câu chuẩn và đầy đủ các thành phần “chủ ngữ + vị ngữ + tân ngữ”. Điều đó khiến các câu sẽ rất dài dòng, đơn điệu, và thiếu cảm xúc.
4. Sử dụng quá nhiều từ ngữ đặc trưng của AI
Một trong những dấu hiệu chắc chắn nhất của nội dung viết bằng AI là chúng sử dụng thường xuyên một số từ nhất định.
Ví dụ các từ như: “chủ yếu”, “hơn nữa”, “do đó”, “trong thời đại ngày nay”, “không chỉ”, “ngược lại”, “chẳng hạn”, “ngoài ra”, “thêm vào đó”…
Bạn có thể sử dụng danh sách các từ này khi chỉnh sửa bài viết AI để nó trông tự nhiên hơn.
5. Giọng văn đơn điệu
Một điểm khác nữa là giọng văn của AI thường khá đơn điệu.
AI không sử dụng ngôn ngữ đang trending trên mạng xã hội, teencode, tiếng lóng, và cũng không có văn phong đặc trưng. Vì vậy, nếu bạn thấy văn bản thiếu văn phong riêng, nghe đơn điệu và nhàm chán thì rất có thể đó là do AI viết.
Bài viết do người tạo ra thường có văn phong đặc trưng của riêng họ, thể hiện quan điểm rất rõ ràng và thường chèn các tài liệu tham khảo, ví dụ cụ thể.
6. Không thoả mãn mục đích tìm kiếm
Khi bạn tìm kiếm thông tin trên Google, bạn thường muốn có câu trả lời cụ thể cho vấn đề đang gặp phải, và các bài viết đó thường sẽ giải quyết được vấn đề của bạn (nếu không, nó sẽ không được Google xếp hạng cao).
Nếu nội dung không giải quyết được mục đích tìm kiếm của bạn, nó có thể đã được tạo ra bởi AI. Hãy kiểm tra xem nó có trả lời được hầu hết các câu của bạn không? Bạn có cần phải tìm nơi khác để có thông tin chính xác hơn không?
Tất nhiên là câu hỏi của bạn phải không quá khó, nếu không sẽ không ai giúp được bạn huống hồ là AI.
7. Thiếu tính chuyên môn
AI rất giỏi trong việc dự đoán từ tiếp theo trong văn bản, nhưng chúng không thực sự hiểu về chủ đề mình đang viết.
Vì thế, mặc dù AI sử dụng bộ dữ liệu đào tạo khổng lồ, chuyên môn của chúng chỉ giới hạn ở dữ liệu đó thôi. Các chủ đề phức tạp được AI viết hời hợt vì thiếu chiều sâu từ kinh nghiệm thực tế. AI không thể thể hiện được chiều sâu và sự hiểu biết rộng rãi của con người về một chủ đề nhất định.
8. Nội dung lỗi thời
Bạn biết không, nội dung AI đôi khi dựa vào các đã cũ. Vì vậy, bạn hãy luôn kiểm tra ngày tháng của tất cả các nghiên cứu, số liệu thống kê nhé.
Các công cụ AI thường không ưu tiên các nguồn mới nhất vì chúng chưa được lập trình để cập nhật cơ sở kiến thức theo thời gian thực. Hãy đánh giá xem nội dung đó có còn phù hợp với bối cảnh hiện tại không. Thông tin này còn áp dụng được không? Có những khám phá nào mới hơn không?
Ví dụ: AI từng dự đoán về ngày phát hành của Apple Car. Thời điểm ra mắt ban đầu được lùi lại đến năm 2026, nhưng thật ra sau đó Apple hủy bỏ hoàn toàn dự án. Và AI không biết diễn biến mới nhất này.
9. Thiếu kinh nghiệm cá nhân
Nội dung AI không thể tạo ra sự kết nối và hiếm khi truyền tải được sự đồng cảm như văn phong của con người. Ngược lại, các nhà viết lách thường đặt ra những câu hỏi sâu sắc và mang tính phản biện, chia sẻ những kinh nghiệm và câu chuyện họ từng trải qua.
Khi bạn muốn phân biệt nội dung AI, hãy xem thử nội dung đó có có chiều sâu không, có câu chuyện của người viết trong đó không, có những câu/đoạn nào thể hiện những kinh nghiệm ở trong đó không.
Ví dụ: nếu bạn đang xem tiktoker đập hộp review về iphone 16 mới nhất, nhưng bạn cảm giác như họ chưa thực sự cầm chiếc iphone đó, thì khả năng cao đấy là nội dung được tạo bởi AI rồi.
10. Sử dụng công cụ kiểm tra nội dung AI
Tất nhiên ngoài những cách thủ công trên, có một số công cụ phát hiện AI cũng khá hữu ích để xác định nội dung do AI tạo ra.
Ví dụ: Scribbr’s AI Detector, QuillBot’s AI Detector,…
Xem danh sách đầy đủ ở đây: 10+ công cụ kiểm tra nội dung do AI viết
Dù các công cụ này khá hữu ích và có thể phát hiện nội dung do AI tạo ra, nhưng chúng không chính xác hoàn toàn. Nguyên lý hoạt động của các công cụ này đa phần đều là phỏng đoán thôi. Do đó, tốt nhất là sử dụng chúng như một cách xác minh bổ sung. Ngay cả công cụ của OpenAI cũng chưa chắc đã hoạt động chính xác mà.
Vừa rồi là toàn bộ những kinh nghiệm về cách phát hiện nội dung do AI viết mà mình tâm đắc nhất. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn biết được làm thế nào để phân loại nội dung do AI hay con người viết. Từ đó hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến AI tốt hơn. Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết này.
Xem toàn bộ kiến thức hữu ích về AI